00:00 Số lượt truy cập: 2668285

Hướng dẫn kỹ thuật phòng và điều trị một số bệnh thường gặp ở cá rô đồng 

Được đăng : 23/09/2021

1.   Bệnh nấm Thủy Mi

Nguyên nhân:  Chủ yếu do nấm Fusarium, Geochitrum, Acremonium gây nên. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa và thời tiết lạnh khi nhiệt độ xuống thấp từ 18 - 200C), hoặc khi do đánh bắt hoặc vận chuyển cá bị xây xát.

 Điều trị: dùng xanh Malachite liều lượng 1 - 2 g/m3 nước tắm cho cá trong thời gian 30 phút hoặc liều lượng 0,1 - 0,2 g/m3 trước khi thả nuôi.

Cá bệnh được tắm liên tục trong 3 - 5 ngày hoặc dùng muối ăn liều lượng 2 - 3 phần ngàn nước tắm cá trong 24 giờ, tắm cá liên tục trong 3 - 5 ngày.

2.   Bệnh Sình Bụng

Nguyên nhân: là do cá ăn thức ăn không đảm bảo chất lượng ( nấm, mốc, nhiễm khuẩn) cá không tiêu hoá được thức ăn, bụng cá trương to, cá bơi lờ đờ và bị chết.

Cách điều trị: Kiểm tra chất lượng thức ăn để phát hiện loại bỏ thức ăn không đảm bảo chất lượng.

Bổ sung men tiêu hóa (probiotic) vào thức ăn hàng ngày cho cá, để cung cấp các chủng vi khuẩn sống có lợi cho sự cân bằng vi sinh vật đường ruột cá. Đồng thời giảm lượng thức ăn trong vài ngày điều trị.

Dùng bột tỏi trộn vào thức ăn theo hướng dẫn sử dụng của bác sỹ thú y.

3.   Bệnh Lở Loét.

Nguyên nhân: do virus, vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng và tác động của các yếu tố môi trường bất lợi cho cá. Đầu tiên cá ăn ít, hoặc bỏ ăn, hoạt động lờ đờ, bơi nhô đầu lên mặt nước, da cá xẫm lại, xuất hiện những vết loét nhỏ trên than cá.

 Những vết loét lan rộng, những con cá bệnh nặng các vết loét lõm sâu tới xương.

Cách điều trị: Dùng vôi tạt xuống ao với liều lượng 2 kg/100 m3, 2 tuần 1 lần. Dùng thuốc tím với liều lượng 10 g/m3 tắm cho cá trong thời gian 10 - 30 phút. Dùng kháng sinh có chứa Oxytetracyline, trộn vào thức ăn cho cá ăn liên tục 5 ngày để điều trị bệnh cho cá.

4. Bệnh Xuất Huyết. Bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromomas hydrophilla hoặc Edwardsiella Tarda gây ra. Toàn thân cá bị xuất huyết, hậu môn sưng lồi, đầu và mắt cá sưng và lồi ra, bụng trương to, có dịch vàng.

Cách điều trị: Bón vôi (CaO) để khử trùng nước và đáy ao. Báo ngay cho cán bộ thủy sản để có sự hỗ trợ điều trị bằng kháng sinh cho cá nhanh khỏi bệnh.

Không tự ý hoặc làm theo người khác mách bảo, tránh những rủi ro đáng tiếc.

4.   Cách Phòng Bệnh Cho Cá Rô

Không thả cá giống khi thời tiết giao mùa. Duy trì chất lượng môi trường ao nuôi, định kỳ diệt khuẩn môi trường ao, điều chỉnh khẩu phần ăn, bổ sung các vitamin E, acid amin và các khoáng chất cần thiết để cá sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng.

Cải tạo ao, vét bùn đáy ao; dùng vôi để xử lý đáy ao với liều 10 kg/100 m2. Kiểm tra độ pH đáy ao, nước trong ao để điều chỉnh cho phù hợp trước khi thả giống cá.

Chọn giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ rang, thả cá với mật độ phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cá.

Định kỳ diệt mầm bệnh trong ao nuôi bằng các thuốc sát trùng như Iodine, Chlorine…Ngoài ra khi nuôi cá rô còn mắc bệnh đen thân là tên gọi nói chung miêu tả hiện tượng cá rô đồng bị bệnh có biểu hiện chuyển màu sắc cơ thể sang màu tối sậm, các vây chuyển sang xám hoặc đen.Nguyên nhân gây bệnh cá rô đen thânNguyên nhân gây bệnh cho cá có thể do ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn hoặc vi rút, trong đó bệnh do vi rút lây lan nhanh và rất khó xử lý.

Phòng và trị bệnh

Xử lý ký sinh trùng, xử lý vi khuẩn có thể sử dụng các sản phẩm thuốc thú y thủy sản  như APA KILL PORINE, ….  theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật thủy sản.

Đối với bệnh do Vi rút rất nguy hiểm, gây thiệt hại lớn nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.  cần áp dụng biện pháp tăng cường sức khỏe và phòng bệnh cho cá bằng như sau:Xử lý môi trường đảm bảo nguồn nước sạch và lượng oxy đầy đủ để cá sinh trưởng và phát triển tốt, nâng cao khả năng kháng bệnh.

Cách ly và tắm cho cá bệnh bằng các sản phẩm diệt khuẩn có trên thị trường theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật thủy sản. Phối hợp các chế phẩm sinh học, bổ sung đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất trong khẩu phần ăn, luôn đảm bảo đầy đủ, cân đối dinh dưỡng để tăng cường khả năng miễn dịch cho cá luôn khỏe mạnh.

P.Loan