00:00 Số lượt truy cập: 2670065

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cà chua 

Được đăng : 06/11/2021

 

1. Đặc điểm câycà chua

Cà chua thuộc loại rau ăn quả, có vị chua và là một loại thực phẩm bổ dưỡng, giàu vitamin C và A, nhất là lycopeme rất tốt cho cơ thể. Người ta thường trồng cà chua vừa để lấy quả, vừa trị bệnh và còn giúp làm đẹp da. Với cách trổng cà chua trong bài viết này sẽ giúp bạn có được một vườn cà chua xanh ươm, phục vụ cho nhu cầu sử dụng của mình.Ở nước ta việc phát triển trồng cà chua còn có ý nghĩa quan trọng về mặt luân canh, tăng vụ và tăng năng suất trên đơn vị diện tích, do đó cà chua là loại rau được khuyến khích phát triển.

- Rễ: Rễ thuộc loại rễ chùm, ăn sâu và phân nhánh mạnh, khả năng phát triển rễ phụ rất lớn. Trong điều kiện thích hợp những giống tăng trưởng mạnh có rễ ăn sâu 1-1,5m và rộng 1,5-2,5m vì vậy cà chua chịu hạn tốt.

            - Thân: Thân tròn, thẳng đứng, mọng nước, phủ nhiều lông, khi cây lớn gốc thân dần dần hóa gỗ. Thân mang lá và phát hoa. Ở nách lá là chồi nách.

            - Lá: Lá cà chua thuộc loại lá kép lông chim lẻ, mỗi lá có 3-4 đôi lá chét, ngọn lá có một lá riêng gọi là lá đỉnh. Rìa lá chét đều có răng cưa nông hay sâu tùy giống. Phiến lá thường phủ lông tơ.

- Hoa: Hoa mọc thành chùm, lưỡng tính, tự thụ phấn là chính. Số lượng hoa trên chùm thay đổi tùy giống và thời tiết, thường từ 5-20 hoa.

- Quả: Quả thuộc loại mọng nước, hình dạng thay đổi từ tròn, bầu dục đến dài. Vỏ có thể nhẵn hay có khía, màu sắc của trái thay đổi tùy giống và điều kiện thời tiết. Thường màu sắc trái là màu phối hợp giữa màu vỏ trái và thịt trái.

- Hạt: Hạt cà nhỏ, dẹp, nhiều lông, màu vàng sáng hoặc hơi tối. Hạt nằm trong buồng chứa nhiều dịch bào kiềm hãm sự nảy mầm của hạt. Trung bình có 50 - 350 hạt trong trái. Trọng lượng 1000 hạt là 2,5 - 3,5g.

2. Thời vụ trồng

     Thời gian gieo hạt giống cho các vụ trồng cà chua chính ở từng vùng như sau:

  - Các tỉnh phía Bắc: Vụ thu đông: 25/7-25/08; Vụ đông: 15/9-15/10; Vụ đông xuân: 5/11-5/12 và Vụ xuân hè: 15/1-15/02.

  - Tỉnh Lâm Đồng và vùng Đông Nam bộ: Vụ đông xuân: 15/09-15/10; Vụ xuân hè : 5/01-5/02.

  - Các tỉnh phía Nam khác: Vụ đông xuân: 20/10-20/11.

3. Làm đất trồng

- Vùng sản xuất phù hợp với quy hoạch của địa phương; không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân như nước thải thành phố, nước thải bệnh viện, công nghiệp, bụi công nghiệp... mối nguy gây ô nhiễm lên cà chua.

- Đất trồng tốt nhất là đất thịt nhẹ, cát pha, phù sa ven sông, giàu mùn và chất dinh dưỡng, chủ động tưới, tiêu; hàm lượng kim loại nặng trong đất không vượt mức tối đa cho phép.

- Đất được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ và lên luống rộng 1,4-1,5 m (cả rãnh luống), cao 25-30cm.

4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

4.1. Ươm giống:

- Gieo trực tiếp trên đất

 + Chọn đất nơi cao ráo, chủ động tưới tiêu. Làm đất kỹ, lên luống rộng 1,2 m, cao 30cm, có rãnh rộng 30cm để thoát nước; phủ trên mặt luống một lớp hỗn hợp phân hữu cơ hoai mục và đất bột (tỷ lệ 1:1) dầy khoảng 2 cm. Nên dùng vòm che thấp trong sản xuất cây con giống.

+ Lượng hạt giống cho 1000m2 vườn ươm là 0,5-0,7 kg.

+ Xử lý hạt giống trước khi gieo: ngâm hạt vào nước ấm khoảng 45-50oC (3sôi : 2 lạnh), thời gian 2-3 giờ sau đó để ráo nước; ủ hạt trong vải ẩm (khoảng 100 g hạt/gói) ở nhiệt độ 30-35oC cho đến khi hạt nứt nanh thì đem gieo. Kiểm tra hạt hàng ngày để đãi rửa chua.

+ Gieo vãi: Chia lượng hạt làm 2 phần, gieo 2 lượt để hạt phân bố đều trên mặt luống. Gieo xong rắc một lớp đất bột mỏng phủ kín hạt. Dùng rơm rạ chặt ngắn hoặc trấu phủ một lớp mỏng kín mặt luống.

+ Gieo hàng: Hàng x hàng 4-6cm, đặt hạt cách nhau 4-6cm. Có thể dùng bàn đục lỗ để thao tác nhanh và đều hơn. Gieo xong phủ một lớp đất bột mỏng để lấp kín hạt. Dùng rơm rạ chặt ngắn hoặc trấu phủ một lớp mỏng kín mặt luống.

- Gieo trên khay

+ Để tiết kiệm hạt giống, công chăm sóc cây giai đoạn đầu và tăng độ đồng đều cây, cần sản xuất cây con cà chua trong khay xốp hoặc khay nhựa có kích thước 60 x 45 cm với số lượng 40- 60 hốc/khay, trên khay có các lỗ bầu, đường kính 4,0- 5,5cm.

 + Giá thể: Hỗn hợp giá thể đưa vào khay tùy điều kiện cụ thể của cơ sở có thể trộn theo các công thức: đất : Bột xơ dừa : Phân hữu cơ theo tỷ lệ khối lượng 1: 1: 1; hoặc trấu hun : Đất : Phân hữu cơ theo tỷ lệ khối lượng 3: 4:3.

 + Gieo hạt: Trước khi gieo, hạt phải được xử lý như trường hợp gieo trực tiếp trên đất. Gieo 1 hạt/hốc, sau khi gieo phủ một lớp giá thể mỏng để che kín hạt. Khay gieo hạt phải để trong nhà có mái che bằng vật liệu sáng (nylon hoặc tấm nhựa trắng).

c) Kỹ thuật chăm sóc cây giống:

- Tưới nước: Sử dụng nước sạch tưới cho cây giống. Thường xuyên giữ ẩm cho cây. Trước khi xuất vườn 3- 4 ngày ngừng tưới. Tưới ẩm trước khi nhổ cây giống 3-4 giờ để cây không bị đứt rễ.

- Nếu cây sinh trưởng kém nên bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách hòa loãng đạm urê với nồng độ 0,5% (50 g/10 lít nước) để tưới.

- Trường hợp gieo vãi trực tiếp trên đất, khi cây con được 2 lá thật tiến hành tỉa định cây đảm bảo cây cách cây 4- 6cm; loại bỏ cây xấu, bị sâu bệnh.

- Nên nhổ cây xuất vườn vào sáng sớm hay chiều mát, cần nhổ nhẹ nhàng tránh dập nát.

- Tiêu chuẩn cây giống khi xuất vườn: Cây khỏe, cao 7-10 cm, không bị sâu bệnh hại; tuổi cây con trong vụ đông khoảng 25-30 ngày, vụ xuân hè khoảng 20-25 ngày, tương đương với 4-5 lá thật.

4.2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:

- Trồng 2 hàng trên luống. Hàng cách hàng 70-80cm, cây cách cây 40-50 cm tùy thuộc mùa vụ và giống, mỗi ha trồng từ 28.000-32.000 cây.

- Nên phủ luống trước khi trồng bằng các vật liệu như rơm rạ khô hoặc màng phủ nông nghiệp.

- Trồng cây:

+ Cây giống được chuẩn bị trước trong vườn ươm có 4-5 lá thật, cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại.

+ Trước khi trồng cần tưới đẫm nước và mặt luống, sau đó để ráo mặt luống tiền hành trồng cây.

+ Dùng que có đầu nhọn hoặc dầm tạo lỗ vừa gốc cây, sau đó trồng cây vào, dùng ngón tay ấn nhẹ xung quanh gốc tạo độ chặt, sau đó tưới đẫm nước cho cây.

- Bón phân: Lượng bón và phương pháp bón: mỗi ha trồng cà chua tùy theo vùng sản xuất, giống và thời vụ được bón với khối lượng như sau:

Loại phân

Lượng bón

Bón lót (%)

Bón thúc (%)

kg/ha

Lần 1

Lần 2

Lần 3

Lần 4

Phân hữu cơ

25.000-30.000

100

-

-

-

-

Đạm nguyên chất (N) kg/ha

150-160

0

10

30

40

20

Lân nguyên chất (P2O5) kg/ha

90-100

100

-

-

-

-

Kali nguyên chất (K2O5) kg/ha

150-160

-

-

30

40

30

Vôi bột kg/ha (nếu pHKCl <6,0)

300-400

100

 

 

 

 

      Trong trường hợp không đủ phân hữu cơ hoai mục, thay bằng các loại phân hữu cơ sinh học hoặc phân hữu cơ vi sinh với liều lượng theo hướng dẫn in trên bao bì.

+ Cách bón:

Bón lót: Bón trước khi trồng 1-2 ngày vào rạch hoặc hốc, đảo đều và lấp kín đất.

Bón thúc chia làm 3 lần

Lần 1: Sau khi trồng 7-10 ngày (cây hồi xanh), bón cách gốc cây 10-15 cm kết hợp vun xới phá váng.

Lần 2: Sau khi trồng 20-25 ngày (cây chuẩn bị ra hoa), bón vào giữa 2 hốc kết hợp vun xới đợt 2.

Lần 3: Sau khi trồng 30-35 ngày (cây ra hoa rộ)

Lần 4: Sau khi thu quả đợt đầu. Bón vào giữa hai hốc phía trong luống kết hợp xới nhẹ và lấy đất rãnh luống lấp kín phân.

- Chăm sóc

      + Làm giàn: Đối với giống cà chua sinh trưởng vô hạn sau trồng 20-25 ngày, tiến hành làm giàn theo kiểu chữ A, giống bán hữu hạn làm giàn hàng rào, dùng dây mềm buộc cây lên giàn để tránh đổ, bảo vệ các tầng quả không bị chạm đất gây bụi bẩn, dễ nhiễm sâu bệnh. Sau khi đã thu hoạch quả lứa đầu cần tỉa bỏ lá già, lá bệnh, nhổ bỏ cây bệnh vi rút và bệnh héo xanh.

      + Bấm ngọn, tỉa cành: Trong vụ đông ở phía Bắc, chỉ nên để 2 nhánh/cây, 7-9 chùm hoa/cây, 4-5 quả một chùm với giống vô hạn; với các giống cà chua hữu hạn cây bé ít phân cành có thể không nhất thiết phải tỉa cành; nhưng trong vụ hè hoặc vụ sớm phải thực hiện biện pháp tỉa cành, đảm bảo ruộng thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.

      - Tưới nước                                                                                                       :

 + Có thể sử dụng nguồn nước mặt (hồ, ao) hoặc nước ngầm để tưới; hàm lượng một số hoá chất và kim loại nặng trong nước không vượt mức tối đa cho phép. Định kỳ kiểm tra chất lượng nước tưới theo quy định.

+ Không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn để tưới trực tiếp cho cà chua.

+ Sau khi trồng thường xuyên tưới đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển bình thường. Vào các thời kỳ nụ, hoa, quả rộ và quả đang lớn cần đảm bảo đủ nước. Nếu có điều kiện thì tưới rãnh; sau khi mặt luống đã thấm nước đều phải tháo kiệt nước đọng trong rãnh. Không tưới tràn gây úng cho cà chua và tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển.

 + Khi gặp mưa to phải rút hết nước không để ngập úng.

5. Phòng và trị sâu, bệnh hại

Thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM).

- Trước khi trồng cây phải vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất sớm để diệt nguồn sâu non và nhộng của các loại sâu khoang, sâu xám, sâu xanh.

Biện pháp sử dụng thuốc BVTV.

- Sâu xám (Heliothis armigera): Thường hại cây con mới trồng, tại chỗ gốc cây bị hại dùng que đào bắt sâu. Sử dụng thuốc xử lý đất (Basudin 10H,…)

- Sâu đục quả (Helicoverpa armigera): Sâu đẻ trứng trên lá, khi nở sâu non phá hại lá, sau đó đục vào quả. Sử dụng Sherpa 25EC, Trebon 30EC, Vinaneem 2SL, Crymax 35 WP, … để phòng trừ.

- Rệp (Aphis gossypii): Là môi giới truyền một số bệnh do virus. Sử dụng Oncol 20EC 0,3%, Marshal 200EC 0,2%, Butyl 20 WP 0,2%. Elincol 12 ME, Trebon 30EC, Actara 25WP, ... để phòng trừ.

- Bọ phấn (Bemisia tabaci): Là loại côn trùng nguy nhiểm nhất, không chỉ tàn phá cây mà còn là môi giới nguy hiểm truyền bệnh xoăn vàng lá do virus. Sử dụng Elincol 12 ME, Confidor 100SL, Oshin 20WP, Actara 25WP, dầu khoáng SK,... để phòng trừ.

- Bệnh xoăn lá: Thường xuất hiện trong vụ cà chua thu đông (vụ sớm), vụ xuân hè. Bệnh do vi rút gây ra và môi giới truyền bệnh là bọ phấn, ... cần nhổ bỏ cây bệnh và phun thuốc trừ môi giới truyền bệnh.

- Bệnh sương mai (mốc sương) (Phytophthora infestans (Mont) de Bary: bệnh hại trên lá, quả, thân; phát triển mạnh khi ẩm độ cao, nhiệt độ thấp. Phòng trừ bằng cách tạo thông thoáng cho đồng ruộng (tỉa cành, nhánh, lá gốc). Sử dụng Zineb 80 WP, Mancozeb 80 BTN Ridomill 72WP, Daconil 75MZ, Aliette 800WG, Jack M9 72WP, … để phòng trừ.

- Bệnh héo xanh vi khuẩn (Ralstonia Solanacearum): Bệnh thường xuất hiện khi ẩm độ cao, ấm đặc biệt vào vụ cà chua thu đông, xuân hè. Để phòng trừ bệnh cần luân canh cà chua với lúa nước hoặc với một số cây trồng khác không phải là ký chủ của bệnh như ngô, mía,... Phương pháp hữu hiệu để phòng bệnh này là sử dụng cà chua ghép. Khi bệnh phát triển cần hạn chế tưới nước (đặc biệt là tưới rãnh).

6. Thu hoạch

Thu hoạch khi quả cà chua bắt đầu chuyển sang màu hồng hoặc đỏ, dùng các xô nhựa sạch thu quả, phân loại quả, xếp quả vào các thùng bằng gỗ, nhựa có kích thước phù hợp, tránh để giập nát, xây sát hoặc tiếp xúc với đất.

7. Bảo quản

Dùng túi poly etylen có đục lỗ để đựng. Ghi nhãn theo quy định. Bảo quản sản phẩm nơi thoáng mát.

8. Hình ảnh cà chua đang trồng hiện nay

ca-chua-3ca-chuaca-hcua

Thạc sĩ: Ngô Văn Kỳ