00:00 Số lượt truy cập: 2669968

Hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa lan vũ nữ (Oncidium) 

Được đăng : 01/01/1970

 

1. Đặc điểm cây hoa lan Vũ nữ

              Lan vũ nữ thuộc họ phong lan được ưa chuộng trong giới chơi lan bởi vẻ đẹp sang trọng và phóng khoáng của chúng. Từ xưa đến nay nhiều không gian sang trọng như bữa tiệc, sự kiện và những nơi trang trọng không thể nào thiếu được sự hiện diện của loài lan này. Lan vũ nữ có khoảng 600 giống khác nhau. Đặc trưng của lan là có những củ bẹ – pseudobulbs to hoặc nhỏ phía trên có từ 1 đến 2 lá mọc dài ra.

- Rễ: thuộc loại rễ chùm, mọc ra từ giả hành và phát triển rất mạnh, có nhiều rễ phụ, rễ màu trắng

- Thân: loài lan đa thân, có thân là những giả hành to hoặc nhỏ, giả hành hình bầu dục, cứng, là nơi dự trữ nước và dinh dưỡng cho cây, phía trên có 1 hoặc 2 lá tùy giống.

- Lá: có 1 đến 3 lá  mọc trên giả hành. Tuỳ theo giống có lá dày và cứng như tai lừa  hoặc dài và mềm. Lá có màu xanh đậm hoặc nhạt, ngắn, to hoặc thuôn dài. Lá cũng có kích thước khác nhau tuỳ giống

- Hoa: Hầu hết hoa có màu vàng hay màu nâu, một vài loài có màu đỏ hoặc nâu sẫm. Độ dài cành hoa có những giống dài 50 - 60 cm. Mỗi giò mang từ 30 đến 100 hoa và có giống hoa lớn đến 4 - 5 cm.

- Quả: Quả nhỏ chứa nhiều hạt bên trong.

- Một số giống hoa lan vũ nữ phổ biến hiện nay:

Lan vũ nữ trồng chủ yếu hiện nay là hoa màu vàng, ngoài ra còn có các màu khác như màu Socola, màu trắng nâu đỏ. Một số giống phổ biến hiện nay như: Oncidium Aloha Iwanaga (màu vàng, nhị chấm nâu); Oncidium Sweet surgar (màu vàng); Oncidium amplicatum (màu vàng)

2. Thời vụ trồng hoa lan Vũ nữ

Có thể trồng cây hoa lan vũ nữ quanh năm.

3. Chuẩn bị nhà trồng cây

Nhà lưới trồng lan vũ nữ cần được trang bị hệ thống lưới cắt nắng ( tùy thuộc vào điều kiện thời tiết có thể dùng 1 – 2 lớp lưới để che), chiều cao nhà lưới từ 2,5 – 3,0m, nhà lưới cần thông thoáng, có mái che, có giàn đặt cây, có các tấm lưới đen di động có thể thu vào hoặc kéo ra khi trời râm – nắng, có hệ thống thoát nước tốt

4. Giá thể, chậu trồng cây

- Giá thể cần phải sạch bệnh, nhẹ và thoát nước tốt. Các loại giá thể thường dùng phổ biến là: vỏ thông, vỏ lạc, xỉ than, dớn, than củi. Tỷ lệ phối trộn: 1:1:1:1:1

- Chậu trồng: Chậu dùng trồng lan Vũ nữ thường là chậu nhựa ( bầu nhựa), có lỗ thoát nước, chậu trồng lan được để trong các khay nhựa trên giàn để đảm bảo độ thông thoáng cho rễ phát triển.

            Tùy độ tuổi cây mà sử dụng các loại bầu và khay trồng khác nhau :

            + Loại cây ra ngôi đến < 6 tháng tuổi :

                        - Loại bầu 1.5 ( đường kính đáy chậu 3cm)

                        - Khay nhựa kích thước 25x50cm

                        - Khoảng cách : 240 cây/m2 ( 6 khay/m2 ; 40 cây/khay)

            + Loại cây 6 tháng tuổi – <12 tháng tuổi:

                        - Loại bầu 2.8 ( đường kính đáy chậu 5,6cm)

                        - Khay nhựa kích thước 25x45cm

                        - Khoảng cách : 90 cây/m2 ( 6 khay/m2 ; 15 cây/khay)

            + Loại cây 12 tháng tuổi –< 18 tháng tuổi:

                        - Loại bầu 3.5 ( đường kính đáy chậu 7.0cm)

                        - Khay nhựa kích thước 30x40cm

                        - Khoảng cách : 32 cây/m2 ( 4 khay/m2 ; 8 cây/khay)

            + Loại cây 18 tháng tuổi – <24 tháng tuổi:

                        - Loại bầu 5.0 ( đường kính đáy chậu 10.0cm)

                        - Khay nhựa kích thước 30x40cm

                        - Khoảng cách: 32 cây/m2 ( 4 khay/m2; 8 cây/khay)

5. Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan vũ nữ

5.1. Giai đoạn cây sau nuôi cấy mô (trường hợp dùng cây nuôi cấy mô, từ ra ngôi đến < 6 tháng tuổi)

Trước khi lấy cây ra khỏi bình cần đặt bình nuôi vào nhà huấn luyện cây trong thời gian từ 3-4 ngày, sau đó lấy cây ra, dùng nước sạch rửa hết aga và chất nuôi, thao tác lấy cây nhẹ nhàng tránh gây tổn thương rễ. Sau đó dùng nước khử trùng hoặc dung dịch Bicromat Kali 0,05% ngâm 5 phút khử trùng.

Sau khi ra ngôi cây con được trồng trong chậu có đường kính đáy chậu khoảng 3cm ( loại bầu 1.5),trồng xong tiến hành phun phòng mấm khuẩn ngay, có thể dùng streptomycin 72% vớinồng độ 3.000 lần. Sau trồng khoảng 15 ngày rễ mới bắt đầu phát triển, lúc này có thể dùng phân bón Plant – Soul tỷ lệ 30-10-10 pha với tỷ lệ 3 gam/10 lít nước, tưới mỗi tuần một lần.

Tưới nước: giai đoạn đầu (4 tuần kể từ sau ra ngôi) chỉ cần tưới nhẹ trên bề mặt lá và duy trì đủ độ ẩm ( khoảng 50-60%), không được để khô vì sức chịu hạn của cây con yếu.  Ánh sáng tốt nhất ở mức khoảng 5.000lux, sau đó sẽ tăng dần (tối đa 10.000 lux). Nhiệt độ ở giai đoạn này tốt nhất ở khoảng 20 – 280C.

5.2. Giai đoạn thay chậu lần 1 (6 – 12 tháng tuổi) và chăm sóc sau khi thay chậu

            - Cây con trồng trong bầu 1.5 trên, sau 6 tháng trồng cần tiến hành thay chậu lần thứ nhất.

- Cách tiến hành: lấy cây con ra, dùng giá thể bọc kín rễ và đặt vào bầu 2.5. Sang bầu xong tiến hành tưới nước nhẹ ( đảm bảo độ ẩm 50 – 60%).  Sau 7-10 ngày tiến hành pha phân  Plant – Soul tỷ lệ 30-10-10 pha với tỷ lệ 4 gam/10 lít nước để tưới Ngoài ra, từ sau sang bầu 1 tháng có thể kết hợp mỗi lần tưới phân kết hợp phun phân bón lá Komix BFC 201 với liều lượng 1/300 (1 lít dung dịch pha trong 300 lít nước) sẽ có hiệu quả tốt cho cây sinh trưởng, phát triển, bộ lá đẹp

- Điều kiện ngoại cảnh thích hợp ở giai đoạn này: Ánh sáng từ 10.000 lux – 15.000 lux, nhiệt độ từ 22 – 280C, độ ẩm 70-80%.

5.3. Giai đoạn thay chậu lần 2 ( 12 – 18 tháng tuổi) và chăm sóc sau khi thay chậu

Khi cây đã cao từ 6-10cm, đường kính củ hành 1,5-2cm có thể tiến hành sang chậu lần 2, cách làm giống như trên và thay sang loại bầu 3.5. Do cây lớn dần nên nồng độ phân bón Plant – Soul tỷ lệ 30-10-10 có thể tăng lên 5g/10 lít nước, khi tưới kết hợp tưới thêm phân bón lá Komix BFC giống như phần trên

Trước khi bước vào thời kỳ ra hoa 2-3 tháng, cần thay bằng phân có hàm lượng phân đầu trâu MK 5 :45 :10 để kích thích phân hóa mầm hoa và làm cho cuống hoa to khỏe, liều lượng 20 g/bình 16 lít. Giai đoạn này cần tăng lên cường độ ánh sáng từ 15.000 – 20.000 lux.

5.4. Giai đoạn thay chậu lần 3 ( > 18 tháng tuổi) và chăm sóc sau khi thay chậu

            Sau khi trồng được 18 tháng ( nếu muốn tiếp tục chăm cho cây lớn hơn) tiến hành thay chậu lần 3, loại chậu thay sẽ dùng loại bầu 5.0.

            Cách thay và chăm sóc cây sau khi thay giống như ở giai đoạn thay chậu lần 2

5.5. Kỹ thuật xử lý ra hoa và chăm sóc sau xử lý ra hoa

            * Kỹ thuật xử lý ra hoa

            Lan Vũ nữ thường có hoa từ tháng 3 đến tháng 5, đa số các giống không ra hoa vào dịp tết nguyên đán. Vì vậy muốn có hoa vào dịp tết chúng ta cần phải xử lý, điều khiển ra hoa. Cách làm cụ thể như sau :

            - Chọn cây sinh trưởng khỏe, tiến hành xử lý sốc khô như sau: Thời điểm xử lý tháng 8, 9. Cách tiến hành:  không tưới nước hoặc thậm chí phơi khô cho cây héo một chút trong vòng 5-7 ngày, sau đó tiến hành tưới nước và chăm sóc bình thường, làm như vậy sau 30 – 40 ngày cây sẽ xuất hiện mầm hoa.

- Ánh sáng: Cường độ ánh sáng trong quá trình xử lý khoảng 15000 lux - 20000 lux.

- Chế độ nhiệt độ: Duy trì điều kiện nhiệt trung bình 20oC – 28oC

- Chế độ dinh dưỡng: phun phân bón giống như giai đoạn thay chậu lần 2.

- Chế độ tưới nước: Khi cây có hoa không nên tưới nước theo kiểu phun mù mà chỉ nên tưới nước vào gốc ( đảm bảo độ ẩm 60 – 70%)

Lưu ý: Khi xử lý ra hoa nên xếp những cây có mầm hoa hướng về phía ánh sáng sẽ giúp cho sự phân hóa mầm hoa được thuận lợi hơn

* Kỹ thuật chăm sóc cây sau xử lý ra hoa

Nhiệt độ : Chế độ nhiệt thích hợp nhất cho sự sinh trưởng giai đoạn sau phân hóa mầm hoa và chất lượng hoa lan Vũ nữ là từ 25-30oC.

Bón phân :Sử dụng loại phân bón thích hợp nhất cho sự sinh trưởng, phát triển, đặc biệt là chất lượng hoa cao nhất cho lan vũ nữ giai đoạn sau phân hoá mầm hoa là phân bón Plant – Soul 3(tỷ lệ N:P:K là 20 – 20 – 20), với liều lượng 4gam/10 lít nước, cách 5 - 7 ngày phun 1 lần.

Tưới nước:Thường xuyên kiểm tra độ ẩm giá thể, không nên để giá thể khô quá hoặc ướt quá. Tốt nhất khi tưới dùng vòi cầm tay để tưới vào gốc cây, cách 3  - 5 ngày tưới một lần, tưới sáng sớm hoặc chiều mát, nếu điều kiện cho phép sau khi tưới nước nên để cho cây được thoáng khí thông gió, để cho nước đọng trên mặt lá bị bay hơi hết, giảm sự phát sinh của bệnh hại.  

6. Phòng và trị sâu, bệnh hại

Bệnh thối rễ

            - Nguyên nhân: Do nấm Fusarium sp. gây ra.

- Triệu chứng: Khi phát bệnh lá biến thành màu vàng úa, thân vẩy giả teo nhỏ và cong gập, biến thành màu đen cuối cùng gây mục rữa hệ rễ, cả cây lan con sẽ khô héo và chết.

            - Phòng trừ: Vệ sinh vườn lan sạch sẽ, cách ly cây bị bệnh. Bệnh nặng có thể sử dụng  thuốc Aliette 800WG liều lượng 20 g/10 lít nước phun đẫm vào gốc cây.

Bệnh thán thư

            - Nguyên nhân: Do nấm Collectotrichium sp. gây ra. 

- Triệu chứng: Vết bệnh có màu nâu đen, màu xám nhạt, hình trứng hoặc hình không quy cách, có khi là những vòn tròn đồng tâm nhỏ màu nâu đen hoặc màu phấn hồng. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá già và lá bánh tẻ của cây làm cây sinh trưởng kém.

- Phòng trừ:

+ Kịp thời ngắt bỏ lá già, lá khô, lá bị thối nát, bị rét hại và bị cháy do nhiệt độ cao để loại bỏ nguồn bệnh.

+ Phun định kỳ thuốc phòng bệnh: Boocdo 1% hoặc Topsin 5 – 10 ml/10 lít. 7- 10 ngày phun 1 lần

Bệnh mốc tro

            - Nguyên nhân: Do nấm Botrytis cinerea có cuống bào tử phân sinh dài, bào tử phân sinh màu tối thành từng đám, hình trứng, đơn bào, không màu.

- Triệu chứng: Thời kỳ đầu trên chóp lá có đốm nhỏ như giọt nước, trơn nhẵn, hơi lõm xuống sau đó lá biến mầu tạo thành mốc tro, khi độ ẩm không khí cao chỗ bị bệnh tạo thành lớp tro dày đặc.

- Phòng trừ:

+ Kịp thời ngắt bỏ lá già, lá khô, lá bị thối nát, bị rét hại và bị cháy do nhiệt độ cao để loại bỏ nguồn bệnh.

+ Có thể sử dụng một số loại thuốc sau để phun phòng bệnh định kỳ cho cây: Physan 20SL, liều lượng 20ml/bình 10 lít; Rovral 50 WP liều lượng 10 – 20 g/bình 8 lít; Ridomil Gold 68WP liều lượng 20 - 25 g/bình 10 lít.  

Bệnh thối nhũn

- Nguyên nhân: do vi khuẩn Pseudomonas gadioli, bệnh phát triển mạnh nhất từ tháng 4 đến tháng 7, khi nhiệt độ và ẩm độ cao. 

- Triệu chứng: Lá bị bệnh lúc đầu có đốm hình giọt nước, vết bệnh trong suốt. Trong điều kiện thích hợp, vết bệnh loang rộng ra sau 1 vài ngày.

- Phòng trừ:

+ Đảm bảo nguồn nước tưới sạch để tưới cho cây

+ Không nên đặt chậu quá dày, cần có khoảng cách hợp lý, bón đạm vừa đủ và đảm bảo đủ ánh sáng cho vườn để tăng sức đề kháng cho cây.

+ Tăng độ thông thoáng của vườn, giảm độ ẩm, nhiệt độ, sau khi tưới nước không để nước đọng trên lá.

+ Tiêu huỷ ngay cây bị bệnh

+ Phun phòng bằng thuốc kháng sinh: 1 g Streptomicin + 1 g Tetracyclin hoà trong 1,5 lít nước. Ngừng tưới nước khi xử lý bệnh 1 ngày.

Rệp, rệp sáp

- Nguyên nhân: Chủ yếu là rệp sáp vàng, rệp sáp cafe, rệp sáp phấn. Phát sinh nhiều ở nơi độ ẩm cao, thiếu ánh sáng, không thoáng gió.

- Triệu chứng: Lá bị hại nặng, bị vàng khô héo và rụng. Có một số loại phát sinh ở mặt lưng lá, có loại ở mặt bụng lá, khi nhiều thì ký sinh cả ở nõn lá.

- Phòng trừ:

+ Khi mới phát sinh dùng vải ướt lau, loại bỏ trứng sâu hoặc cắt bỏ bộ phận bị bệnh hại

+ Dùng tấm bìa màu vàng dẫn dụ rồi diệt

+ Dùng thuốc phun: Movento 150OD với lượng phun 10 ml/10 lít; Malathion hoặc Trebon 10EC với lượng 10 ml/8 lít.

Ốc sên và ốc dẹt(Achatina fulice)

Triệu chứng: thường ăn phần ngọn non của cây, ăn vào buổi tối, ban ngày thường ẩn nấp ở chỗ kín (hốc cây, bụi cây hoặc chui xuống đất)

- Phòng trừ:

+ Thường xuyên vệ sinh vườn trồng lan để chúng không còn chỗ trú ngụ và phá hoại.

+ Dùng thuốc Deadline Bullets 4%. Liều dùng 0,1 – 0,2 kg/1.000m2, rải thuốc ở những nơi ốc thường tập trung.

7. Thu hoạch

7.1. Với hoa cắt cành

Thu hoạch vào thời điểm có từ 3 - 4 hoa đang nở trên cành.

8. Bảo quản

Bao gói và buộc dây cố định cây để tránh va chạm, dập nát cành, hoa trong quá trình vận chuyển.

8. Hình ảnh các nhóm giống hoa lan vũ nữ hiện nay

ky-9ky-91

Thạc sĩ: Ngô Văn Kỳ