00:00 Số lượt truy cập: 2667171

Hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh giống khoai tây TK96.1 

Được đăng : 07/04/2022

1541779057142

Hình minh họa

1.                 Đặc điểm.

          Là giống khoai tây có chất lượng cao phù hợp cho ngành chế biến thực phẩm công nghiệp, có khả năng sinh trưởng mạnh, thời gian sinh trưởng dài khoảng 100-105 ngày, năng suất cao 30-35 tấn/ha. Giống có khả năng kháng bệnh mốc sương cao.

2.                 Đất trồng

Có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau như đất cát pha, đất thịt, đất sỏi cơm, đất đỏ bazan,thích hợp nhất là loại đất thịt nhẹ, đất phù sa, đất giàu dinh dưỡng, có hàm lượng hữu cơ cao, tơi xốp, chủ động được việc tưới tiêu, đủ ẩm, độ pH từ 6,0 - 6,5. Không trồng trên đất thấp, ngập úng, nhiễm phèn, nhiễm mặn.

Chọn đất xa khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, cách xa đường giao thông lớn, đất khô g bị ô nhiễm chất độc, có chủ động nguồn nước sạch để tưới.

Làm đất

Cày sâu, bừa kỹ tơi xốp đất, nhặt sạch cỏ dại, sâu tối thiểu 30 cm. Làm luống đôi 130cm, cao 20cm rãnh rộng 30 cm. Xẻ thành 2 rạch trên luống cách nhau 50cm và cách đều hai mép luống, bón phân lót vào rãnh, lấp kín bằng đất bột. 

3.                 Chọn giống và trồng.

Chọn củ giống sạch bệnh cỡ 30 - 40g/củ, mầm khoẻ, dài 1-1,5cm, nếu củ to nhiều mầm mắt cần bổ đôi theo chiều dọc củ, dùng xi măng thấm khô vết cắt; Trồng hai hàng so le với khoảng cách 40cm 1 cây. Trồng sâu 6 - 7cm, lấp củ bằng đất tơi xốp. Sau khi trồng tưới đẫm nước, nếu không có mưa, cách 2 - 3ngày tưới một lần để cây mọc nhanh.

4. Bón phân.

 Phân bón tính cho 1 ha.

15 tấn phân chuồng đã ủ hoai mục với ché phẩm Trichoderma.

800 kg vôi bột

350 kg lân hữu cơ vi sinh.

Đạmu rê 350 kg

P2O5: 200 kg P2O5

K2O: 250 kg K2O

35 kg MgSO4.

35 kg calcium hypoclorite

 Cách bón.

Bón lót

Khi làm đất rắc toàn bộ lượng vôi, canxi hypochlorite bừa trộn đều. Sau đó xẻ rạch bón toàn bộ lượng phân chuồng, phân lân vi sinh, MgSO4, ¼ N, ¼ K2O, đảo trộn đều, xong lấp đất, tưới đẫm, để 3 ngày mới trồng.

Bón thúc

Lần 1: Khi  cây mọc 10 ngày sau bón 2/4 lượng N, 1/4 lượng K2O, kết hợp xới phá váng, làm cỏ và vun nhẹ;

Lần 2: Khi  cây mọc 30 ngày sau bón toàn bộ lượng phân đạm và kali còn lại,  kết hợp làm cỏ, vun luống cao. Chú ý vun đầy gốc cây, tránh để gốc cây trũng, hở củ.

Sau mỗi lần bón thúc phân đạm 3 ngày, phun bổ sung phân vi lượng có chứa Mg, Cu, Mn, Fe, Mo.

Chú ý: Sau trồng 55 ngày phun bổ sung thêm phân bón lá có hàm lượng kali cao để củ to chất lượng cao.

5.                 Chăm sóc.

Trong 7 ngày đầu mỗi ngay tưới ẩm cho cây 1 lần, sau đó thường xuyên tưới ẩm đất để cây sinh trưởng tốt, tùy theo thời tiết để lên kế hoạch tưới nước cho phù hợp. Đặc biệt cần cung cấp đủ nước cho cây khi làm củ để tăng nhanh khối lượng củ, nếu thời kỳ này thiếu nước năng suất sẽ rất thấp, chất lượng củ không cao. Luôn chú ý đảm bảo làm sạch cỏ dại.

6.                 Phòng trừ sâu bệnh.

 Ruồi đục lá.

Giai đoạn 30 ngày sau mọc, dùng luân phiên thay đổi Cyperin hoặc Polythrin, Supracide, Netoxin, Cantex; phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất. 

Bệnh mốc sương.

Dùng Zineb phun định kỳ 7ngày một lần. Nên thay đổi luân phiên với Aliette, Kasuran; phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất. 

 Bệnh héo rũ vi khuẩn

 Luân canh với cây trồng khác khoặc cây trồng nước nếu có thể.

Dùng củ giống sạch bệnh.

    7.Thu hoạch

 Khi 70% lá chuyển vàng là có thể thu hoạch. Cắt hết thân lá  trên mặt đất trước khi thu, chọn ngày nắng ráo để thu, hạn chế làm sây xát vỏ củ khi thu hoạch, vận chuyển. Dùng dụng cụ cứng có lót nhẹ để tránh dập nát củ, phân loại vận chuyển đến kho bảo quản, đem tiêu thụ.

Lê khôi