00:00 Số lượt truy cập: 2668508

Hướng dẫn nhân giống cây mộc hương 

Được đăng : 01/10/2021

7a54097dfbbeae9a9e5828a74fd4dfb8

Cây mộc hương là loại cây thân gỗ lâu năm, thường cao khoảng 2 – 3m, Hoa mộc thường nở vào mùa xuân. Ngoài để trang trí, tạo mùi hương trong y học hoa mộc là một loại thảo dược tốt cho sức khỏe, ích khí, bổ máu, hoa mộc để sử dụng làm thuốc trị cảm lạnh, ho có đờm và một số bệnh về răng miệng. Rễ cây mộc hương có vị ngọt, chữa đau lưng, thận hư và các bệnh xương khớp khá hiệu quả. lá mộc hương khô làm trà để tốt cho tiêu hóa và trị cảm cúm rất tốt.

Hiện nay nhiều nơi trồng cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng rất thiếu giống cây để nhân rộng. Để có giống cây tốt, nhiều, nhanh, cây nhanh ra hoa và giữ được những ưu điểm tốt của cây mẹ nhân giống nên áp dụng phương pháp giâm cành và chiết cành.

I.Phương pháp giâm cành

1. Chọn thời gian cắt cành giâm và giâm cành.

Các tỉnh phía bắc thời gian thích hợp để giâm cành mộc hương thường từ tháng 4 đến tháng 7, miền Nam thì từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.

2. Chuẩn bị đất giâm cành mộc hương

Đất thích hợp để cành giâm nhanh ra rễ là đất sạch, đất thịt nhẹ, tơi xốp.

3. Chọn cành giâm mộc hương

Chọn cây khỏe, đã ra hoa, nhiều hoa, cây không bị sâu bệnh, chọn cần khỏe mạnh, không có sâu bệnh hại, có đường kính 0,5 cm, cành bánh tẻ.

4. Cắt cành giâm mộc hương

Dùng dao sắc, nhúng vào dung dịch nước sát trùng để khử vi rút, vi khuẩn, nấm gây bệnh, cắt chéo góc 45o, thời điểm tốt nhất để cắt vào buổi sáng và chiều mát. Khi cắt cành giâm vặt hết lá trên cành, chỉ để lại 2 lá trên mỗi cành.

5. Cắm cành mộc hương vào đất trồng

Trước tiên bạn nên nhúng cành giâm vào thuốc kích rễ trong 5 phút, sau đó cắm cành giâm xuống đất đã chuẩn bị sẵn.

6. Chăm sóc cây mộc hương sau khi giâm cành

Sau khi cắm cành giâm xuống đất cần có lưới đen để che giảm cường độ ánh sáng còn 50%, thường xuyên tưới ẩm để cho cành giâm nhanh ra rễ.

Mỗi ngày tưới cho vườn giâm 2 lần vào sáng sơm và chiều mát bằng cách tưới phun sương. Sau khoảng từ 20 – 30 ngày bắt đầu ra rễ, chuyển cành giâm vào túi bầu tiếp tục chăm sóc khi rễ dài chuyển ra trồng đại trà.

Trong quá trình giâm và chăm sóc cây giống chú ý tạo tường bảo vệ tránh sự phá hoại của chó, gà, chuột… thường xuyên kiểm tra phát hiện sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời.

II. Chiết cành.

1. Chọn cành chiết

Chọn những cành bánh tẻ khỏe mạnh không sâu bệnh, không dị tật. Không chọn những cành núp trong tán cây, nên chọn những cành ngoài tán lá có thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

2. Khoanh vỏ cành chiết

Chọn nơi khoanh vỏ không có mắt để dễ bóc vỏ hơn. Dùng dao sắc nhúng qua dung dịch nước sát trùng, cắt khoanh bóc 1 đoạn vỏ cành dài 5cm, cạo sạch vỏ đến phần gỗ, phơi khô vết cắt.

3.  Bó đất bầu

    Dùng khăn vải sạch nhúng vào dung dịch thuốc kích thích ra rễ thấm ướt phần vỏ đã khoanh, lấy ½ đất bột trộn với ½ phân chuồng ủ hoai mục, phun ẩm đất đạt 85%, bó chặt vào vùng vỏ đã khoanh, đường kính bầu chiết 10 cm, độ dài phủ kín vết khoanh vỏ kéo dài về mối phía 3 cm, lấy nilon màu trằng bọc kín, chắc bầu chiết, dùng dây mềm quấn thật chặt và che nắng bầu chiết.

4. Chăm sóc cành chiết

Sau khoảng 30- 45 ngày là cành chiết đã có ra rễ, dùng dao sắc hoặc cưa sắc nhúng qua dung dịch nước sát trùng cắt cành chiết.

Xếp cành chiết vào vườn ươm có lưới đen che bớt ánh nắng, hàng ngày tưới ẩm, sau 15 ngày bỏ lưới che, phun phân bón lá cho vườn ươm. Sau 45 ngày cây ra rễ dài, mọc khỏe đem trồng đại trà.

T. Khuyên