00:00 Số lượt truy cập: 2668976

Hướng dẫn phòng trừ sâu, bệnh hại mít 

Được đăng : 01/01/1970

sauductraisaubenhhaitrencaymit

1.   Sâu đục thân.

 Là loài sâu nguy hiểm nhất đối với cây mít. Sâu trưởng thành là một loài xén tóc có tên khoa học là Pachyteria equestris, thuộc họ Cerambycidae, Bộ Coleoptera. Loài này gây hại trên cả cành và thân cây. Trưởng thành có thân mình cứng, màu đen, dài khoảng 25 - 30mm. Con cái đẻ trứng rời rạc trên gốc cành và các vết nứt trên vỏ cây. Ấu trùng mới nở có màu vàng nhạt, tuổi lớn có màu vàng nâu. Khi nở ra, ấu trùng chui qua vỏ cây đục thành đường hầm ngay dưới vỏ cây. Trên các cành nhỏ thì sâu đục bên trong lõi cây, cành lớn sâu cạp bên ngoài vỏ, làm thành những đường hầm sát vỏ thân. Sâu thường gây hại từ trên các cành nhỏ chúng ăn dần xuống phần gốc cây và cả các rễ lớn. Vết đục ban đầu trên thân cây có những vết nhựa ứa ra theo đường đục của sâu, khi tuổi sâu lớn chúng đục vào trong phần gỗ của cây tạo thành những hang của phần gỗ, trên đường đục của sâu có phân đùn ra như mạt cưa,  màu vàng hoặc nâu rơi xuống đất, ngay vết đục đôi lúc có mùi hôi chua là phát hiện của chúng đã đục ở bên trong. Khi cây bị sâu hại thời gian sau có thể làm gãy cành khi gió mạnh, nếu bị nặng có thể làm chết cả cây. Thời gian sâu non sống và phá hại dài khoảng 2-3 tháng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng của cây. Để quản lý sâu đục thân thường xuyên thăm vườn phát hiện sự xuất hiện của sâu sớm (phân và nhựa chảy ra bên ngoài) vì khi quá trễ, ấu trùng chui sâu vào bên trong thân rất khó phòng trị và gây hại nặng cho cây. Biện pháp thủ công tỏ ra có hiệu quả tốt, dùng dao khoét ngay lổ đục để bắt sâu hoặc nhộng  nằm bên trong, nếu sâu đã ăn sâu vào thân có thể dùng bông gòn thấm thuốc trừ sâu (nên dùng các loại thuốc có tính lưu dẫn hoặc xông hơi) nhét vào lổ đục và lấy đất sét trám bít vết đục lại. Sau khi nhét bông thuốc vào lổ đục trên cành hoặc thân nên quét thuốc gốc Đồng để phòng các loại bệnh xâm nhập qua vết thương.

 

2. Bệnh thối trái.

Thối trái có hai loại: bệnh thối trái non và bệnh thối nhũn. Bệnh thối trái non gây hại khá phổ biến trên mít. Bệnh do nấm Rhizopus nigricans gây ra. Bệnh gây hại trên hoa và trái non, làm trái thối đen và rụng. Vết bệnh khởi đầu là đốm màu nâu đen, sau bệnh lan dần cả trái, làm cả trái bị thối đen. Trên vết bệnh sản sinh các sợi nấm và túi bào tử màu đen mọc tua tủa. Bệnh có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào của trái. Bệnh lây lan nhanh từ trái này sang trái khác. Bệnh chỉ gây hại giai đọan trái non. Bệnh thối nhũn do nấm Phytophthora sp gây hại rất phổ biến trên trái lớn. Triệu chứng nhận biết trên trái có một vài chấm nhỏ màu nâu đen, sau đó phát triển lan rộng thành vùng lớn hoặc cả nửa trái và ăn sâu vào múi, làm thịt trái bị nhũn thối, múi mít bị “bả nhừ”. Trong điều kiện ẩm độ cao, vết bệnh hình thành những tơ nấm trắng, bệnh nặng làm thối cả trái và lây lan sang những trái khác. Bệnh thường gây hại giai đọan trái lớn và cả trái sau thu hoạch. Bệnh thối trái phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và mưa nhiều, vườn cây rậm rạp, vườn kém thoát nước. Bệnh lây lan rất nhanh trong điều kiện có gió, mưa. Nguồn nước tưới trong vườn cũng là yếu tố làm cho nấm phát tán, lây lan. Nấm lưu tồn chủ yếu trong đất, trong nước và trong các bộ phận bị bệnh của cây.

    Phòng trừ bệnh thối trái nên trồng với mật độ thấp, tạo vườn cây thông thoáng; Vườn cây cần cao ráo, thoát nước tốt trong mùa mưa; Hàng năm bổ sung phân hữu cơ kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma để hạn chế bệnh phát triển; Vệ sinh vườn cây, thu gom những trái bệnh đem tiêu hủy. Chú ý  loại bỏ những hoa mít đực đã khô; khi bệnh xuất hiện sử dụng nhóm thuốc trừ bệnh có hoạt chất Fosetyl aluminium hoặc Metalaxyl.

1.   Sâu đục trái.

Sâu đục trái mít có tên khoa học Glyphodes caesalis thuộc họ Pyralidae. Thành trùng là một loại ngài có màu vàng, trên cánh có những vạch màu nâu. Sâu non đẫy sức dài khoảng 22mm, đầu màu vàng nâu, thân màu trắng có điểm nhiều chấm màu nâu đen. Bướm hoạt động về đêm, ban ngày ẩn trong tán lá. Bướm thường đẻ trứng trên trái non. Sâu có thể tấn công nhiều vị trí trên trái nhưng phổ biến nhất là chui chổ gần cuống trái. Sâu non mới nở đục ngay vào trái. Sâu phá hại từ khi trái còn rất non đến khi sắp chín. Sâu đục vào trong trái và ăn phần thịt nằm dưới vỏ trái. Sâu tấn công trên bất kỳ vị trí nào của trái, có thể đục từ trên cuống xuống hoặc có thể tấn công dưới đít trái. Sau khi đẩy sức, sâu chui ra ngoài trái kết phân khô thành kén và hóa nhộng bên trong kén. Trái bị hại vẫn phát triển nhưng ngay vết đục thường bị thối, sau đó khô đi, làm giảm giá trị thương phẩm của trái.

 Biện pháp phòng trừ sâu đục trái mít

Thường xuyên vệ sinh vườn, sau thu hoạch cắt tỉa các cành già, cành sâu bệnh để tạo cho vườn thông thoáng.

Thu gom và tiêu huỷ những trái bị sâu.

Biện pháp hóa học: Phát hiện trái có triệu chứng gây hại của sâu đục trái, sử dụng thuốc trừ sâu vi sinh như ViBT, Dipel,… hoặc các loại thuốc trừ sâu sinh học.

Chú ý: Khi sử dụng thuốc nên bảo đảm đúng thời gian cách ly để an toàn cho người tiêu dùng.

Lê Khôi