00:00 Số lượt truy cập: 2637624

Hướng dẫn phòng và điều trị 1 số bệnh thường gặp trên tôm nuôi nước lợ 

Được đăng : 24/09/2021

unnamed-21

1. Bệnh  Hội chứng chết sớm

Bệnh xảy ra tập trung nhiều ở giai đoạn 10 - 45 ngày sau khi thả nuôi. Giai đoạn đầu, tôm bơi lờ đờ, bỏ ăn, chết ở đáy ao.

Nếu tôm mắc bệnh ở giai đoạn sau, màu sắc cơ thể biến đổi, gan tụy sưng to hoặc bị teo lại.

Giai đoạn cuối hoại tử gan tụy cấp tính, nhiễm khuẩn thứ cấp.

Phòng bệnh:

Tuân thủ lịch mùa vụ, chọn con giống đảm bảo chất lượng, cải tạo ao bón vôi, bừa kỹ, ngâm để phân hủy chất độc trong bùn đáy.

Khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học kết hợp sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, không để dư thừa thức ăn trong ao.

Không sử dụng các hóa chất cấm để xử lý môi trường ao nuôi.

2. Bệnh phân trắng

Nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn, ký sinh trùng gây lên.

Khi tôm bị bệnh, kiểm tra thấy phân tôm màu trắng trên sàn ăn. Tôm bị phân trắng giảm ăn, ruột tôm có những đốm màu vàng ở phần cuối ruột. Tôm bị vỏ mỏng, teo nhỏ dần và chậm lớn.

Phòng bệnh:

Ao nuôi luôn sạch sẽ, khủ khuẩn, sát trùng ao và đáy ao sạch trước khi nuôi tôm, không sử dụng thức ăn bị mốc. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường nước, kiểm soát độ PH trong ao nuôi. Thay nước định kỳ và sử dụng hóa chất diệt khuẩn đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng hoặc mưa kéo dài.

Trộn men vi sinh tiêu hóa, bổ sung vitamin và khoáng chất với thức ăn, giúp tôm hấp thụ thức ăn tốt hơn, tăng cường sức khỏe và giảm stress. Những con tôm bị chết phải vớt ra khỏi ao ngay để tránh tôm khỏe ăn tôm bệnh. Chia sẻ thông tin với cán bộ kỹ thuật chắn nuôi thủy sản để hỗ trợ thuốc chữa bệnh.

3. Bệnh do vi khuẩn vibrio

Bệnh có biểu hiện đứt râu, đen mang, thối mang, thối đuôi, đốm đen…..  cơ thể chuyển màu đỏ, bỏ ăn, tôm bị chết. Nếu thể mãn tính gây chậm lớn, mềm vỏ... 

Phòng điều trị:

 Luôn giữ nước ao nuôi sạch, không nuôi mật độ quá dầy, định kỳ dùng chế phẩm vi sinh để ao nuôi, giữ độ mặn nước 15-20‰. Thay nước mới để làm giảm mật độ vi khuẩn trong nước, bổ sung vitamin C vào thức ăn. Kích thích lột xác bằng Saponine 10-15g/m3.

4. Bệnh do vi khuẩn dạng sợi

Tác nhân gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn dạng sợi Leucothrix mucor, ngoài ra có thể do một số vi khuẩn dạng sợi khác. Chúng có thể độc lập hay phối hợp với nhau gây bệnh ở mang, thân… và các bộ phận khác của tôm. 

 Bệnh thường gặp ở ao nuôi có hàm lượng chất hữu cơ cao, mật độ nuôi dày.  Tôm bị bệnh nổi đầu, dạt vào bờ và chết rải rác hoặc làm tôm không lột xác được.

Phòng trị bệnh:

Không nuôi tôm mật độ quá cao. Khi tôm bị bệnh thay nước mới để làm giảm mật độ vi khuẩn trong nước, bổ sung vitamin C, A, E và Beta-Glucan để tăng sức để kháng cho tôm, định kỳ dùng chế phẩm vi sinh để giảm hàm lượng chất hữu cơ. Dùng 1-2mg/m3 Saponine hoặc bột hạt chè phun đều khắp mặt ao để kích thích tôm lột xác, sau khi tôm lột xác xong bơm thêm nước để giảm nồng độ Saponine; hoặc dùng 2-5mg/m3 KMnO4 (thuốc tím) phun khắp mặt ao sau 4 giờ thay nuớc nước mới.

5. Bệnh thiếu vitamin C

Bệnh thường gặp trong ao nuôi thâm canh, đặc biệt trong những ao tảo kém phát triển.

Tôm bị bệnh thiếu vitamin C ăn ít hoặc bỏ ăn, sức đề kháng giảm, tôm sinh trưởng chậm, chết rải rác 1-5% hàng ngày (tỷ lệ hao hụt tổng cộng rất cao 80-90%). 

Phòng trị bệnh:

Bổ sung bổ sung vitamin C đầy đủ đến khi khỏi bệnh. Tạo điều kiện môi trường thích hợp để tảo phát triển bình thường với mật độ vừa phải.

P. Loan