00:00 Số lượt truy cập: 2638179

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP CÁC TỈNH KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG VÀ BẮC TRUNG BỘ NĂM 2017 

Được đăng : 07/12/2017
Trong năm qua, các cấp Hội đã quan tâm hơn đến công tác khoa học và công nghệ trong quá trình tổ chức, chỉ đạo phong trào nông dân và hoạt động của Hội. Thông qua hoạt động Câu lạc bộ, các hội viên nông dân được chia sẻ kinh nghiệm trong quá trính ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ, nâng cao được hiệu quả đầu tư. Sự phối hợp hoạt động đã thể hiện rõ nét và có hiệu quả.

Theo số liệu báo cáo trong năm qua, các tỉnh, thành Hội trong khu vực đều có những chương trình, dự án phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ trong việc tổ chức các lớp tập huấn khoa học công nghệ cho nông dân, chuyển giao các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và cải thiện đời sống. Các tỉnh, thành Hội tập trung vào công tác tuyên truyền tới đông đảo hội viên, nông dân về vai trò của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền các mô hình điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất; trong đó tuyên truyền được 8012 cuộc, với 817426 lượt người tham gia; 16 Hội Nông dân tỉnh có xuất bản Bản tin Công tác Hội để tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, những kinh nghiệm hay trong quá trình sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Tổ chức tập huấn cho hội viên nông dân về khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và vệ sinh môi trường được 6704 lớp với 659168 lượt người tham gia.

Việc ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu thông qua các mô hình trình diễn được quan tâm của cấp ủy, chính quyền với sự tham mưu của Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh trong năm 2017 đã xây dựng được 7582 mô hình với số tiền 10.896 ngàn tỷ đồng. Các dự án khoa học công nghệ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ các loại giống lúa có chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; ngoài ra còn có các dự án nuôi trồng nấm rơm, dự án trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm, dự án hầm bioga và các dự án vườn, ao, chuồng kết hợp với tổng kinh phí trên 7.457 tỷ đồng. Thông qua các Chương trình, dự án hoàn thiện được quy trình, kỹ thuật, kế thừa giải pháp tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh để mở rộng mô hình tại các địa phương khác. Khai thác nguồn kinh phí từ địa phương các tổ chức khác để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Qua một năm thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ đã thúc đẩy mạnh mẽ công tác Hội và phong trào nông dân, tạo sự chuyển biến tích cực về mọi mặt, thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2017; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội và khả năng nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ làm công tác Hội. Việc thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ đã đem lại hiệu quả về kinh tế một cách rõ rệt cho hội viên, các gia đình nông dân được tham gia trực tiếp các dự án ở cả 63 tỉnh, thành phố. Các tiến bộ khoa học và công nghệ được ứng dụng, chuyển giao đã tạo ra các sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho nông dân đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất trong vùng; các lớp tập huấn về khoa học công nghệ nói chung đã có sức lan tỏa và làm thay đổi nhận thức, nâng cao kiến thức của cán bộ, hội viên nông dân về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới; từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng, đầu tư công nghệ mới nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa; nông dân đã biết liên kết chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân làm khoa học công nghệ, nâng cao được trình độ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, góp phần vào việc phát triển sản xuất bền vũng, nâng cao thu nhập và mức sống cho nông dân.Thông qua các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp cho việc ban hành văn bản, tổng hợp báo cáo hàng quý, hàng năm được triển khai nhanh chóng và hiệu quả.Những kết quả trên đạt được trước hết là có chủ trương, nội dung phối hợp đúng đắn của 2 ngành sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và công nghệ cùng các bộ, ngành có liên quan. Trong quá trình triển khai có chủ động sáng tạo, xây dựng chương trình hành động, giải pháp thiết thực, cụ thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của công tác khoa học và công nghệ đề ra trong Chương trình phối hợp hoạt động đúng đắn và kịp thời, phù hợp với yêu cầu khách quan của công tác Hội và phong trào nông dân. Hội Nông dân các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc tham mưu với cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp và các ngành, huy động nhiều nguồn lực tập trung cho công tác ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động vẫn còn một số hạn chế đó là:

Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết tới cán bộ, hội viên, nông dân một số cấp Hội còn hình thức. Trình độ, năng lực, hiểu biết về lĩnh vực KH&CN của đội ngũ cán bộ Hội chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.Năng lực của các cấp Hội tham mưu, quản lý, theo dõi KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới hoạt động KH&CN trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Một số tỉnh, thành Hội còn chậm trễ, chưa thành nề nếp, nhất là việc xây dựng kế hoạch nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm. Sự phối hợp hoạt động giữa Sở Khoa học & Công nghệ và Hội Nông dân một số tỉnh, thành còn thiếu chặt chẽ, thậm chí còn hình thức, không có hiệu quả thiết thực. Một số địa phương còn chưa phối hợp được trong việc tổ chức, kiểm tra đánh giá các hoạt động của Chương trình phối hợp. Việc lồng ghép hoạt động khoa học công nghệ với các Chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào thi đua của Hội ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; tài liệu tuyên truyền phổ biến kiến thức về khoa học công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu, kết quả còn hạn chế. Các doanh nghiệp chưa quan tâm tới ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN còn thiếu, đặc biệt là cơ chế tài chính khuyến khích doanh nghiệp huy động vốn để đầu tư cho KH&CN đến với nông dân chưa nhiều.

* Nguyên nhân

Một số cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chưa thực sự quan tâm đến hoạt động này. Việc tổng kết, đánh giá kết quả triển khai, và rút ra những ưu, nhược điểm cùng các biện pháp tốt nhất để chuyển giao các kết quả nghiên cứu đến người nông dân chưa được thực hiện đầy đủ và đánh giá đúng mức.

Bài học kinh nghiệm

Sau 1 năm thực hiện Chương trình phối hợp có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, Hội Nông dân các cấp cần nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhất là các lĩnh vực về khoa học cũng như về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng có chủ trương lãnh đạo cụ thể; tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền, các sở, ngành để có nguồn lực hoạt động trong lĩnh vực KH&CN.

Hai là, các hoạt động Khoa học và Công nghệ phải gắn liền với thực tiễn nhu cầu sản xuất và đời sống của hội viên nông dân. Để xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và công tác Hội phải đạt hiệu quả kinh tế, xã hội phải đảm bảo các nguồn lực đầu tư cần thiết.

Ba là, thường xuyên duy trì thực hiện tốt chương trình phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Hội Nông dân tỉnh nhất là tổ chức các Hội thảo, hội thi, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, triển khai thực hiện các đề tài, dự án, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao, giúp cho hội viên nông dân nâng cao năng suất chất lượng cây trồng, vật nuôi, cải thiện cuộc sống.

 

Bốn là, định kỳ kiểm tra sơ, tổng kết chương trình phối hợp giữa hai ngành để đề xuất kế hoạch phối hợp cho năm tiếp theo. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong các hoạt động khoa học và công nghệ./.

Lê Văn Khôi - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học Nông vận