00:00 Số lượt truy cập: 2661801

Kết quả thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2016 

Được đăng : 26/12/2016
Việc thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ đã đem lại hiệu quả về kinh tế một cách rõ rệt cho hội viên, các gia đình nông dân được tham gia trực tiếp các dự án ở cả 63 tỉnh, thành phố. Các tiến bộ khoa học và công nghệ được ứng dụng, chuyển giao đã tạo ra các sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho nông dân đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất trong vùng; các lớp tập huấn về khoa học công nghệ nói chung đã có sức lan tỏa và làm thay đổi nhận thức, nâng cao kiến

KẾT QUẢ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CH­ƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP NĂM 2016

I. CÔNG TÁC TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO

Căn cứ Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn III (2016 – 2020) hai ngành đã có Công văn thông báo và hướng dẫn cho Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức Chương trình phối hợp, trên cơ sở Chương trình phối hợp hoạt động giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ; hai bên thống nhất xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở thực hiện; chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

 

1.     Ở Trung ương

Giao cho các cơ quan chức năng của Bộ và của Trung ương Hội trên cơ sở nội dung Chương trình phối hợp hoạt động, chủ động phối hợp xây dựng nội dung, kế hoạch và kinh phí cho hoạt động hàng năm; tổ chức phối hợp thực hiện kế hoạch nhiệm vụ đã được phê duyệt ở Trung ương; tham mưu cho Thủ trưởng hai ngành chỉ đạo Hội Nông dân, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố tổ chức ký Chương trình phối hợp hoạt động, để tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Chương trình phối hợp đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; cán bộ, hội viên, nông dân. Coi việc tổ chức phối hợp triển khai này là nhiệm vụ thường xuyên của địa phương, cơ sở. Đôn đốc, kiểm tra Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động cụ thể, thiết thực, có hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo nội dung của Chương trình phối hợp và hướng dẫn tổ chức thực hiện của hai ngành. Đến nay, cả nước 58 tỉnh đã tổ chức ký Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh, thành phố với Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố chưa tổ chức ký kết, Hội Nông dân tỉnh vẫn phối hợp với Sở khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện các chương trình, dự án do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh quản lý.

Hội Nông dân Việt Nam chủ động tham mưu, đề xuất và kiến nghị với Đảng, Nhà nước về việc tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân Việt Nam thực hiện các dự án và phối hợp thực hiện các dự án có liên quan đến nông nghiệp, nông dân nông thôn; chủ động báo cáo với Đảng, Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có nhấn mạnh nội dung về tác động mạnh mẽ và hiệu quả của công tác KHCN, đặc biệt là ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cho nông dân.

Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội Nông dân Việt Nam cùng quan tâm đến việc tăng cường cơ sở vật chất và tạo những điều kiện cần thiết cho công tác tuyên truyền vận động phổ biến những nội dung của Chương trình phối hợp nhằm cung cấp thường xuyên, liên tục những thông tin, kiến thức, các giải pháp khoa học kỹ thuật và công nghệ, những mô hình, điển hình tiên tiến đến với bà con nông dân cả nước, có chương trình cung cấp thông tin ưu tiên vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giwois hải đảo vùng dân tộc thiểu số….

Năm 2016 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Cuộc thi nông dân với công nghệ thông tin trên phạm vị 63 tỉnh, thành phố với mục tiêu: Tìm kiếm và vinh danh những nông dân có kỹ năng ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp nông thôn hiện nay; đồng thời tìm kiếm và vinh danh các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, công trình ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo động lực mạnh mẽ đẩy mạnh phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn trên toàn quốc, đẩy mạnh việc phát triển nền “Nông nghiệp thông minh”;

2.     Ở Địa phương

Căn cứ nội dung Chương trình phối hợp đã ký và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện của hai ngành, Ban Thường vụ Hội Nông dân và Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tập trung vào công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Đó là:

-  Tổ chức tuyên truyền, triển khai phổ biến nội dung của Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025  theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

-  Phối hợp với các ngành liên quan tới nông nghiệp, nông thôn, vệ sinh môi trường, văn hoá, xã hội đẩy mạnh công tác vận động, hư­­ớng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ để thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ vào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Đặc biệt có một số tỉnh đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất vật tư phân bón, các tổ chức khoa học công nghệ để tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí và khoa học công nghệ giúp nông dân xây dựng các mô hình khoa học công vào sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư.

-  Nghiên cứu và tổ chức nhiều hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ trong nông thôn, nông dân.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG NĂM 2016 CỦA 63 TỈNH, THÀNH PHỐ

Căn cứ nội dung Chương trình phối hợp hoạt động đã ký và sự chỉ đạo của Thường trực Trung ư­­ơng Hội và Lãnh đạo Bộ, các đơn vị trực thuộc của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân và Sở Khoa học & Công nghệ các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình.

1. Các đơn vị trực thuộc của Trung ư­­ơng Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ

1.1. Tiếp tục xây dựng cơ sở, thiết chế đảm bảo cho hoạt động của Chương trình

Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông vận - Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tin học của Bộ Khoa học và Công nghệ duy trì và không ngừng nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đưa Website Khoa học cho nhà nông vào hoạt động thường xuyên; đồng thời liên kết với các kênh thông tin khác của các bộ, ngành của trung ương và địa phương, nhằm cung cấp tin, bài, các giải pháp khoa học kỹ thuật và công nghệ, các mô hình, điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho nông dân miễn phí.

Đẩy mạnh cung cấp thông tin khoa học, các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong Bản tin Khoa học với nhà nông.

Hàng năm dành 1 phần kinh phí mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

Xây dựng cơ chế phối hợp và cộng tác viên với các nhà khoa học, các tác giả nghiên cứu để cung cấp các thông tin khoa học cho hội viên nông dân cả nước.

1.2. Về công tác tuyên truyền, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ

Bản tin “Khoa học với nhà nông” và Website “Khoa học cho nhà nông” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong năm đã cung cấp 2678 tin, bài, quy trình về KHCN phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân và đến nay có trên 417.320  lượt người truy cập vào Website này. Bản tin “Khoa học với nhà nông” đã phát hành 6 số với 24.000 bản đến cấp tỉnh, huyện và một số xã.

Trong năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức sản xuất trên 8000 đĩa DVD gửi đến các cấp Hội nông dân, điểm bưu điện văn hóa xã để tuyên truyền các mô hình nông dân sản xuất giỏi ứng dụng KHCN vào sản xuất thành công. Phối hợp với các kênh truyền hình VTV1, VTC16, VTV2 tổ chức Giải nông dân xuất sắc nhằm tôn vinh những nông dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trở thành những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu. Tổ chức cuộc thi và vinh danh các nông dân đạt giải trong cuộc thi Nông dân với công nghệ thông tin năm 2016. Cùng với phương pháp tuyên truyền miệng, trên các báo, tạp chí của Hội như Báo Nông thôn Ngày nay đã tăng cường thêm các nội dung mới; Tạp chí Nông thôn mới và trên Website Hội Nông dân Việt Nam, Bản tin Thông tin công tác Hội phát hành 18.000 bản là ấn phẩm dùng làm tài liệu phục vụ sinh hoạt th­ường kỳ của chi, tổ Hội, Câu lạc bộ nông dân đều mở các chuyên mục Khoa học kỹ thuật. Phát hành hàng vạn bản tài liệu phổ biến, h­­ướng dẫn khoa học kỹ thuật cho nông dân và cán bộ cơ sở Hội.

Các ban, đơn vị của cơ quan Trung ư­ơng Hội đã tổ chức biên soạn nhiều đầu sách, tài liệu có nội dung liên quan đến KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. In và phát hành hàng chục triệu bản các loại tờ rơi, thông tin quảng cáo phục vụ Chương trình nước sạch nông thôn, Chương trình dân số gia đình và trẻ em, Chương trình phát triển ngành nghề nông thôn

1.3. Về tổ chức Cuộc thi Sáng tạo nhà nông lần thứ VII năm 2016-2017 và các hoạt động khuyến khích sáng tạo khác của nông dân

Cuộc thi sáng tạo nhà nông lần thứ VII (2016-2017) được phát động từ tháng 12 năm 2015, Cuộc thi được triển khai từ cấp Trung ương đến 63 tỉnh, thành,  huyện thị cơ sở Hội và đến từng hội viên, nông dân. Mục đích cuộc thi nhằm khơi dậy phong trào sáng tạo kỹ thuật trong lao động sản xuất và đời sống của nông dân cả nước, góp phần đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng và sản xuất nông nghiệp, nông thôn phục vụ thiết thực cho đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Đến cuối năm 2016 đã có hàng trăm giải pháp sáng tạo kỹ thuật, công nghệ của nông dân gửi về các Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các giải pháp của nông dân rất phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và có tính ứng dụng rất cao. Hầu hết các giải pháp, sản phẩm dự thi đều có ý tưởng xuất phát từ thực tế, từ những trăn trở của người nông dân nhằm ứng dụng hiệu quả các giải pháp sáng tạo về khoa học và công nghệ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân. Đến nay ở cấp trung ương Hội đã tiếp tục nhận được các giải pháp dự thi của các tỉnh, thành Hội gửi đến để thành lập Ban Tổ chức cuộc thi, Ban giám khảo để chấm thi và chọn ra các tác giả, đồng tác giả và tổ chức khen thưởng.

Ngoài Cuộc thi sáng tạo nhà nông do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Trung ương Hội Nông dân Việt nam tổ chức 4 Hội chợ nông sản chất lượng cao tại 4 Khu vực, đây là các sân chơi rất quan trong cho các nông dân say mê sáng tạo có thể tham gia, đồng thời cũng là nơi kết nối, cung cấp nhiều thông tin rất hữu ích, là nơi chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ mới cho nông dân.

1.4. Về công tác tập huấn cho nông dân

Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông vận - Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn cho 12 tỉnh về sử dụng chế phẩm AT vi sinh và xử lý trực tiếp rơm rạ trên đồng ruộng được 1678 ha tạo ra được 1.967.400 kg phân hữu cơ vi sinh; đồng thời hướng dẫn cho nông dân phối trộn chế phẩm AT vi sinh với chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm trong ngành chế biến nông sản để trở thành phân bón hữu cơ vinh sinh bón cho đồng ruộng, góp phần quan trọng vào việc làm giảm giá thành trong sản xuất nâng cao chất lượng nông sản và giảm ô nhiễm môi trường sản xuất cũng như môi trường sống ở cộng đồng dân cư.

Các ban, đơn vị cơ quan Trung ư­ơng Hội như Ban Tuyên huấn, Ban Dân tộc miền núi, Ban Kinh tế, Ban Xã hội, Trường trung cấp nghề, Trung tâm Hỗ trợ nông dân… đều tổ chức tập huấn theo nhiệm vụ được phân công, trong đó tập trung nhiều vào các lĩnh vực kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; nước sạch nông thôn và vệ sinh môi trường, chế biến bảo quản nông sản và có hàng triệu lượt người tham gia.

2. Kết quả tổ chức thực hiện Chương trình ở địa phương, cơ sở

2.1. Về công tác tuyên truyền.

Công tác tuyên truyền được quan tâm hàng đầu và được tổ chức thường xuyên, liên tục thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau.

Tất cả 63 tỉnh, thành Hội đều có trang tuyên truyền công tác Hội và phong trào nông dân, trong đó có nội dung liên quan phổ biến khoa học công nghệ trên Báo và Đài PT-TH địa phư­ơng. Hầu hết các tỉnh, thành Hội đã có Bản tin công tác Hội thường kỳ, trong đó có chuyên mục phổ biến KHKT cho hội viên, nông dân với 12 số/năm.

Trong năm 2016 đã có 147 Chương trình được các Đài truyền hình tỉnh đưa tin dưới dạng phóng sự, có 386 bài viết được đưa tin. Hội Nông dân các tỉnh, thành phố kết hợp với các sở Khoa học và Công nghệ tổ chức biên soạn và phát hành hàng chục vạn ấn phẩm. Công tác tuyên truyền thông qua hội thảo, sinh hoạt chi, tổ hội luôn được quan tâm và đã triển khai được 14.983 cuộc, với 2.056.009 lượt người tham gia.

2.2. Về tập huấn và xây dựng các dự án  khoa học công nghệ chuyển giao cho nông dân.

 

Trong năm 2016, cả nước có 63 tỉnh tổ chức lớp tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần cải thiện đời sống cho nông dân; tổ chức được 24.914 lớp, có 1.927.446 người tham gia; Việc triển khai xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân được triển khai mạnh mẽ, trong năm 2016 đã xây dựng được 3.356 mô hình với tổng số tiền 8 tỷ309 triệu đồng; tổ chức xây dựng được 316 dự án với tổng kinh phí 14 tỷ 985 triệu đồng.

LÊ VĂN KHÔI