00:00 Số lượt truy cập: 2677749

Kinh nghiệm sản xuất giống đậu tương ĐT34 

Được đăng : 15/06/2021

 

 Giống đậu tương ĐT34 được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc ở cả 3 vụ xuân, hè và vụ đông theo Quyết định số 464/QĐ-TT-CLT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Cục trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và PTNT và Quyết định tự công bố lưu hành số 391/QĐ-VCLT-KH ngày 18 tháng 11 năm 2020.

Giống đậu tương ĐT34 có thời gian sinh trưởng 90-95 ngày, có hoa màu trắng, khối lượng 1.000 hạt từ 170-200g, năng suất đạt 21,0-26,8 tạ/ha trong điều kiện vụ Đông, 26,1-30,2 tạ/ha trong điều kiện vụ Xuân và vụ Hè; Hàm lượng Protein đạt 44,8%, Lipit đạt 20,4%. Giống kháng tốt với bệnh phấn trắng, chống đổ tốt. Giống có thể trồng được cả 3 vụ trong năm tại các tỉnh phía Bắc.

1. Chuẩn bị đất

Chọn đất xa khu đô thị, khu công nghiệp, đất sạch không bị ô nhiễm môi trường; nên chọn đấtcát pha, thịt nhẹ, chủ động tưới, tiêu nước, có độ PH trung tính. Tiến hành cày bừa kỹ phơi ải, bón vôi bột, bừa trộn, san phẳng nhặt cỏ dại trước khi lên luống. Luống rộng rộng 0,8 m. Rạch hàng sâu 25cm. Khoảng cách giữa 2 hàng 40 cm.

1.     Thời vụ:

 Vụ Xuân:  từ 18/2-16/3.

Vụ Đông: từ 05/9- 20/10.

Vụ Hè- thu: 02/6- 20/6.

Có thể bố trí cơ cấu mùa vụ với các cây trồng khác để nâng cao hiệu quả.

Lúa Xuân - Lúa Mùa- Đậu tương Đông.

Đậu tương Xuân - Lúa mùa- cây vụ Đông.

Ngô Xuân - Đậu tương Hè - Ngô Đông.

Đậu tương Xuân - Lua mùa - ngô Đông

3. Cách gieo

Hạt giống phải chọn mua ở địa chỉ có uy tín.đảm bảo chất lượng với  tỷ lệ nảy mầm tối thiểu là 70 %, không bị nhiễm sâu, bệnh hại, độ ẩm hạt 12 %. Xử lý hạt giống phòng trừ nấm bệnh bằng thuốc Rovral 50 Wp.

Mật độ trồng trên đất màu

Vụ Xuân:25-30 cây/m2, hàng – hàng: 40 cm, hốc- hốc: 9-11 cm, gieo 2 hạt/hốc.

Vụ Hè: hàng – hàng: 40 cm, hốc – hốc: 11-14 cm, gieo 2 hạt/hốc.

Vụ Đông: hàng – hàng: 40 cm, hốc – hốc: 6-8 cm, gieo 2 hạt/hốc.

Lượng hạt gieo cho 1 ha  từ 65 –  70kg.

4.Phân bón cho 1 ha: 

N: 30-40 kg;

 P205 : 70 kg ;

 K20:  75 kg;

Phân chuồng hoai mục 5 tấn/ha.

Cách bón: Sau khi rạch hàng, bón lót toàn bộ lượng phân lân, phân hữu cơ.

Bón thúc lần 1 với 1/2 đạm, 1/2 kali, khi  cây có 3 lá thật.

Bón thúc lần 2 với lượng đạm, kali còn lại, khi cây có  5 lá thật.

5.Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh

Chăm sóc lần 1: Khi cây có 3 lá thật, xới nhẹ, làm cỏ, kết hợp với bón thúc lần 1, tiến hành  phun  thuốc phòng sâu cuốn lá.

Chăm sóc lần 2: Khi cây có 5 lá thật,  tiến hành xới đất đợt 2, nhặt sạch cỏ dại, bón thúc lần 2 kết hợp vun gốc.

Tưới nước thường xuyên  đảm bảo độ ẩm trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.

5. Phòng trừ  sâu:  Chú ý phun thuốc trừ giòi đục thân ngay khi cây có 2 lá mầm. Phun phòng trừ giòi đục lá, đục quả, ruồi đục thân, sâu cuốn lá, sâu khoang, rệp bằng thuốc Padan 95SP, Ammate 150SC,Kuraba 3.6EC….phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Phòng trừ bệnh: Phun thuốc tiến hành vào chiều mát hoặc buổi sáng, không nên phun  thuốc vào lúc trời nắng gắt hoặc sẽ gặp mưa sau phun thuốc (1-3) giờ.

Bệnh gỉ sắt, lở cổ rễ nên dùng thuốc Daconil 75W;Validacin 5SL.

6.Thu hoạch:

 Khi 2/3 quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng. Chọn ngày nắng ráo thu hoạch, phơi khô quả, tách hạt. Tiến hành làm sạch, phân loại, bảo quản trong kho mát đem tiêu thụ.

Lê Doanh