00:00 Số lượt truy cập: 2667058

Kỹ thuật nuôi cá chạch lấu sinh sản nhân tạo 

Được đăng : 06/07/2021

 

ca-chach

               

Hiện nay, phong trào nuôi thương phẩm cá chạch lấu phát triển mạnh nhưng chủ yếu sử dụng nguồn giống tự nhiên, kích cỡ con giống không đều, tỷ lệ sống trong quá trình nuôi còn thấp và chưa chủ động trong nuôi thương phẩm. Để người nuôi nắm được kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá chạch lấu, tạo ra con giống tốt, chủ động trong nuôi thương phẩm, nâng cao hiệu quả sản lượng, bà con cần nắm bắt kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá chạch lấu.

 

1.  Nuôi vỗ cá bố mẹ thành thục sinh sản

Cá được nuôi vỗ trong ao đất hoặc trên bể xi-măng. Cụ thể:

Ao đất dùng nuôi vỗ có diện tích 800 - 1000 m2. Trước khi thả cá, ao được tát cạn nước, bón vôi 7 – 10 kg/100 m2, phơi đáy 2 – 3 ngày. Cấp nước vào ao qua lưới lọc đến mức 1,2 – 1,5 m. Dùng ống nhựa Ø60 mm trở lên thả xuống đáy ao để tạo nơi trú ẩn cho cá. Mật độ nuôi vỗ là 5 kg cá bố mẹ/100 m2. Thay nước theo thủy triều 2 lần/tháng.

Nuôi vỗ trong bể xi-măng kích thước bể 4m x 6 m, cao 1,2m; bể được rửa sạch và dùng nước vôi loãng để tẩy trùng. Sau đó cấp nước vào đạt độ sâu 1,0 m. Dùng ống nhựa Ø60 mm thả xuống đáy bể làm nơi trú ẩn cho cá. Mật độ nuôi vỗ là 0,2 kg/m2, thay nước hàng ngày với tỷ lệ 50% thể tích nước bể.

Sử dụng thức ăn là cá tạp, tép, ốc. Ngoài ra có thể sử dụng thêm trùn chỉ. Cho ăn 2 lần/ ngày vào lúc sáng sớm và chiều mát với khẩu phần khoảng 5 – 7% trọng lượng thân. Thời gian nuôi vỗ bắt đầu từ tháng 2 hàng năm, sau 4 – 5 tháng cá bắt đầu thành thục và tham gia sinh sản. Mùa vụ sinh sản trong năm bắt đầu từ tháng 5 – 8, tập trung vào tháng 6 – 7.

2. Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá chạch lấu

2.1. Yêu cầu chung

– Nhiệt độ nước thích hợp cho cá chạch lấu đẻ khoảng 28 – 30 độ C.

– Cho cá đẻ trong bể xi măng hoặc composít, có thể thay nước dễ dàng

– Mật độ thả cá trong bể đẻ: 20 – 30 cặp bố mẹ/ bể 20 m2. Mực nước sâu 0,4 – 0,5 m.

2.2. Chọn cá chạch lấu bố mẹ cho đẻ

– Cá khỏe mạnh không bị xây xát. Cá cái bụng to, mềm, quan sát bên ngoài có hình buồng trứng rõ ràng nằm dọc 2 bên lườn bụng. Dùng que lấy trứng xem có màu vàng nhạt, đo đường kính trứng, trung bình đạt 1, 96 ± 0,22 mm.

– Cá đực vuốt nhẹ ở lườn bụng đến gần lỗ hậu môn, thấy có sẹ màu trắng đục chảy ra. – Tỷ lệ cá đực/cá cái cho đẻ: 1/1 hoặc 2/1.

2.3. Kích dục tố sử dụng:

a) Sử dụng kích dục tố và chất kích thích sinh sản:

Hiện nay có 02 loại kích dục tố dùng để kích thích sinh sản nhân tạo cá chạch lấu tốt nhất là: HCG (Human Chorionic Gonadotropin) và LH-RHa (Luteneising Hormone–Releasing Hormone Analogue) kết hợp DOM (Domperidone).

b) Liều lượng kích dục tố và chất kích thích sinh sản:

– Ðối với cá cái:
+ HCG dùng 5.200 UI/1kg cá cái.
+ LH-RHa (Luteotropin Releasing Hormoned Analog kết hợp với DOM (Dompamine): 150 μg
+ 10mg DOM/kg cá cái

– Đối với cá đực: Liều lượng kích dục tố bằng 1/3 tổng liều lượng tiêm cho cá cái.

– Số lần tiêm:
          + HCG: Cá cái được tiêm 3 lần; lượng tiêm lần 1 là 400 UI, lần 2 là 1.200 UI và lần 3 là 3.600 UI HCG/ kg, thời gian tiêm lần 2 cách lần 1 là 24 giờ , lần 3 (quyết định) cách lần 2 từ 6 – 8 giờ. Cá đực tiêm 1 lần cùng với lần tiêm thứ 3 cho cá cái. Liều lượng kích dục tố bằng 1/3 tổng liều lượng tiêm cho cá cái.
          + LH-RHa: tiêm 1 lần cho cả cá đực và cá cái.

– Vị trí tiêm ở gốc vây lưng của cá.

– Thời gian cá đẻ: Trong điều kiện nhiệt độ nước 28 – 30 độ C, thời gian hiệu ứng thuốc sau khi tiêm lần quyết định từ 18 – 24 giờ.

3. Hướng dẫn kỹ thuật gieo tinh nhân tạo

3.1. Thu sản phẩm sinh dục của cá cái và cá đực:

– Bắt cá cái đặt nhẹ nhàng trong vải mềm, dùng ngón tay cái bịt lỗ sinh dục cá.

– Lấy vải mềm quấn thân cá chỉ để hở lỗ sinh dục, thấm hết nước ở bụng và đuôi cá. Sau đó, giữ đầu cá hướng lên phía trên, mở ngón tay bịt lỗ sinh dục cá rồi vuốt nhẹ vào thành bụng để trứng chảy từ từ vào bát khô sạch đã chuẩn bị sẵn. Ðể thuận tiện theo dõi, trứng của mỗi cá cái cho vào một bát riêng.

– Ngay sau khi vuốt trứng phải vuốt sẹ vào bát đã có trứng. Thao tác giữ cá đực để vuốt sẹ tương tự như đối với vuốt trứng của cá cái.

3.2. Kỹ thuật gieo tinh:

Dùng lông cánh gia cầm quấy đều trứng và tinh dịch trong khoảng thời gian 2 – 3 phút. Sau đó, cho nước sạch vào tiếp tục quấy khoảng 5 phút rồi rải cho trứng dính đều vào khung lưới (30 x30 cm) và đem đi ấp trong bể composite có nước chảy nhẹ…

4. Kỹ thuật ấp trứng Cá chạch lấu

21234

4.1. Mật độ trứng ấp:

Trứng được rải đều trên khung lưới ấp, mật độ 1.500 trứng/ khung 30 x 30cm.

4.2. Phương pháp ấp trứng:

Bể ấp trứng có thể tích 500 – 1.000 lít, có thể ấp được 10 – 12 khung trứng bằng cách treo các khung dựng đứng quanh thành bể. Cho nước chảy nhẹ vào bể kết hợp với sục khí. Nước ấp trứng phải qua lọc bằng vải mịn hoặc lọc cát để hạn chế sinh vật và địch hại lọt vào bể.

4.3. Thu cá bột sau khi trứng nở:

Ở nhiệt độ nước 28 – 30 độ C, sau khi ấp khoảng 46 – 55 giờ trứng sẽ nở thành cá bột, khi trứng đã nở hết thì ta lấy các khung giá thể ra, tiếp theo hút các trứng hư ra khỏi bể.

Cá bột mới nở rời khỏi khung lưới và bám vào giá thể ngay hoặc nằm ở đáy bể một thời gian và sau đó cũng bám vào giá thể. Trong 4 ngày đầu, cá bột bám vào giá thể và sống bằng noãn hoàng; từ ngày thứ 5, cá bột đã hết noãn hoàng, vẫn bám vào giá thể nhưng di chuyển nhanh nhẹn và tìm bắt thức ăn. Khi cá hết noãn hoàng thì chuyển sang bể ương.

312345

5. Kỹ thuật ương cá bột lên cá giống

5.1. Điều kiện bể ương:

– Bể ương bằng composit có thể tích 2 m³ (2.000 lít) trở lên, được tẩy rửa sạch sẽ.

– Giá thể cho cá bám vào trong những ngày đầu làm bằng dây nilon bó thành bó, sau 20 ngày dùng ống nhựa có đường kính 2,2 – 3,4 cm làm giá thể.

– Môi trường nước trong quá trình ương nuôi: phải đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng sau đây:

+ Nhiệt độ nước từ 27 – 32 độ C.

+ pH trong khoảng từ 6,5 – 8,5.

+ Hàm lượng oxy hoà tan lớn hơn 5 mg/l.

5.2. Mật độ ương:

Mật độ ương trong bể composit là 1.000 – 1.500 cá bột/ bể composite 2.000 lít. Sau 30 ngày thì san thưa ra 200 con/bể 2.000 lít ương cho đến ngày thứ 60.

5.3. Thức ăn dùng để ương:

Lòng đỏ trứng luộc, động vật phù du, trùng chỉ và cá tạp xay nhuyễn, cho cá ăn bằng lòng đỏ trứng luộc cần bóp nhuyễn và lọc qua vải màn hai lớp rồi hoà tan trong nước để rải đều trên mặt bể ương.

Lượng cho ăn như sau:

– Trong 10 ngày đầu, cứ 1.000 – 1.500 cá bột dùng 1/4 lòng đỏ trứng và bổ sung thêm 15 – 20 g Moina mỗi ngày, cho cá ăn ngày 3 lần.

– Trong 10 ngày tiếp theo cứ 1.000 – 1.500 cá bột dùng 1/3 lòng đỏ trứng và bổ sung thêm 20 – 25 g Moina mỗi ngày, cho cá ăn ngày 3 lần.

– Sau 20 ngày tuổi cho cá ăn bằng trùn chỉ bổ sung thêm trứng nước (Moina) 25 g/ngày cho đến ngày 30, từ ngày 40 cho ăn bằng trùn chỉ theo nhu cầu, sau 40 ngày cho ăn trùn chỉ có bổ sung thêm cá tạp xay nhuyễn cho đến ngày 50 – 60 thì chuyển nuôi thịt.

Ths. Phạm Văn Đức