00:00 Số lượt truy cập: 2637634

Kỹ thuật nuôi cá dầm xanh 

Được đăng : 30/07/2021

 

I. Đặc điểm cá dầm xanh

Cá dầm xanh (hay còn gọi là cá bỗng)là một trong trong 4 loài cá quý hiếm và có giá trị cao. Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức đã làm số lượng của chúng trong tự nhiên giảm nhanh chóng và có nguy cơ trở nên tuyệt chủng.

Đặc điểm để nhận biết cá dầm xanh là thân dài, dẹp, đầu hơi ngắn tương tự như cá chép. Thân của cá có màu đen óng, miệng to, môi dày trề ra. Viền của môi có những mấu thịt nhỏ hình tròn, hàm dưới phát triển, phủ lớp sừng mỏng nhọn.

- Cá dầm xanh sống ở nước ngọt

- Ðộ pH từ 6,5 đến 8,0.

- Ðộ trong từ 25 đến 30 cm.

- Hàm lượng oxy hoà tan từ 4 mg/l.

- Nhiệt độ từ 200C – 280C

ca-dam

 

 

II. Kỹ thuật nuôi

1. Chuẩn bị ao nuôi cá dầm xanh

Cá dầm xanh được nuôi nhiều trên sông, suối. Vì cá dầm xanh có tập tính sống trong môi trường nước động, có dòng chảy. Nên khi nuôi bằng ao, hồ cần thiết kế đúng kỹ thuật.

Hiện nay nhiều bà con nông dân đã thiết kế ao nuôi cạnh nhà, không cần sông, suối…Nhưng thiết kế đúng kỹ thuật dạng tuần hoàn nước. Có cổng cấp và cổng thoát hoạt động 24/24 là cần thiết.

Cá dầm xanh sống trong môi trường nước sạch. Chính vì vậy nuôi trong ao đất không hiệu quả như ao xi măng hoặc ao lót bạt. Bà con nên dùng ao nổi lót bạt để nuôi đạt hiệu quả nhất. Ao lót bạt thiết chiều cao khoảng từ 1.2m trở lên, diện tích từ 100m2 trở lên.

2. Chọn giống cá dầm xanh

Chọn con giống khỏe mạnh, không bị trầy xước, cá đồng lứa, kích thước đều nhau khoảng từ 8-12cm. Khi bà con chọn được con giống lớn thì tỷ lệ sống sẽ cao hơn khi thả vào ao nuôi.

3. Mật độ thả cá dầm xanh

Nên thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả tắm cá bằng nước muối với liều lượng 2-3% muối so với lượng nước tắm và tắm trong vòng 10-14 phút. Nhằm loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh bám trên mình cá.

Mật độ thả cá khoảng từ 20- 30 con/ m3. Đối với mật độ thả cá còn phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi cá dầm xanh từng người, nếu có kinh nghiệm có thể nuôi dày hơn.

4. Cách cho cá dầm xanh ăn

Cá dầm xanh là loài cá ăn tạp, các phụ phẩm trong chăn nuôi, chủ yếu là thức ăn xanh; tỷ lệ cho ăn khoảng 30% so với trọng lượng cá, cho ăn ngày 2 lần.

Thức ăn tinh; nên cho ăn khoảng 3-4% so với trọng lượng cá như; cám gạo, bột ngô…cho ăn 2 ngày 2 lần theo giờ cố định.

Nếu muốn thúc đẩy cá lớn nhanh hơn. Bà con cần bổ sung thêm thức ăn tự chế, thức ăn công nghiệp giàu đạm, với hàm lượng đạm từ 30-36%.

5. Thời gian thu hoạch cá dầm xanh

Cá dầm xanh là loài cá phát triển chậm, thời gian nuôi kéo dài khoảng từ 2-3 năm. Khi cá đặt trọng lượng khoảng 1,2 – 2,5kg/ con thì có thể thu hoạch. Cá dầm xanh có giá bán cao khoảng từ 250.000đ/kg. Lúc có giá cao thì khoảng từ 400.000- 500.000đ/kg.

 6. Phòng và trị bệnh cho cá

Cá dầm xanh cũng thường hay mắc các bệnh thông thường như các cá khác, nên phòng ngừa bệnh là biện pháp quan trọng, đảm bảo cho cá không bị mắc bệnh và sinh trưởng nhanh, Chọn giống đủ tiêu chuẩn, không mang các mầm bệnh, loại bỏ cá yếu, cá bệnh ra khỏi ao, mật độ nuôi cá vừa phải. Cho cá ăn và chăm sóc tốt theo đúng quy trình nuôi. Cho cá ăn đủ và cân bằng dinh dưỡng, bà con chú ý cần cung cấp vitamin và muối khoáng.

Trong quá trình nuôi cần theo dõi thường xuyên hoạt động của cá, biến động cá yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi phát hiện cá có biểu hiện bệnh không nên tự chữa trị và sử dụng kháng sinh bừa bãi vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nên báo ngay cho các cán bộ chuyên môn để có biện pháp phòng trị kịp thời. Tuy nhiên, đối với một số bệnh thông thường thì người nuôi có thể phòng trị.

 Trong quá trình nuôi cá thường bị một số bệnh sau: Bệnh đốm đỏ, bệnh xuất huyết, trùng mỏ neo, trùng bào tử bà con có thể dùng thuốc Tiên Đắc (theo hướng dẫn của thuốc) trộn vào thức ăn cho cá ăn rất hiệu quả.

                                                                                         Lê Văn Khôi