00:00 Số lượt truy cập: 2677657

Kỹ thuật nuôi ong Dú 

Được đăng : 07/09/2021

Anh Lê Duy Vũ ở thôn Tây 3, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đến với nghề nuôi ong dú từ năm 1999, do tình cờ có một đàn ong đến trú ngụ trong nhà mình. Lúc này, anh vẫn chưa biết đây là loài ong gì, nhưng vẫn để chúng tự nhiên trong nhà mình. Một thời gian sau, thấy tổ ong cho mật, có màu cánh gián, ăn thử thì có vị ngọt, hơi chua và rất thơm. Sau khi tìm hiểu kỹ, anh mới biết đó là loài ong dú. Từ đó, anh có ý định gây dựng, nhân rộng đàn ong nuôi với mục đích phát triển kinh tế gia đình.

Chỉ có một đàn ong dú trong nhà là quá ít ỏi, anh phải tự mình đi nhiều nơi tìm ong, đồng thời đặt mua từ những người thợ săn ong trên rừng. Sau gần 3 năm, anh đã đưa về được hơn 100 đàn ong dú. anh chuyển các đàn ong vào thùng nuôi, đặt khắp vườn nhà. Tuy nhiên, thời gian đầu do chưa nắm được đặc tính, kỹ thuật chăm sóc nên số lượng ong dú nuôi tại vườn không duy trì được lâu. Trải qua nhiều khó khăn, đến năm 2006, anh bắt đầu đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi ong dú.

ong-du

 

Ong dú là một giống ong địa phương, nhỏ như con ruồi, nhưng có khả năng lấy mật tốt và thụ phấn cho cây trồng. Ong dú thích hợp với thời tiết có nhiệt độ 28-33oC, nếu quá nóng hoặc lạnh ong sẽ chết hàng loạt. Sau nhiều lần thử nghiệm, anh đã sáng chế ra kỹ thuật nuôi ong có chuồng nuôi bảo đảm mát mẻ trong mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Giải pháp sáng chế cấu tạo gồm:Nhà nuôi ong được xây bằng gạch ống, chiều ngang 2-2,5 m, chiều dài 15-20 m, chiều cao tường khoảng 3m, chia làm 5 tầng, các tầng chia mỗi ô 50cm2 để đặt thùng ong, quay miệng thùng ra ngoài; mái lợp tôn, mùa hè để cửa 2 đầu nhà, xung quanh vườn trồng cây để làm mát, mùa đông chèn kín các khe hở để giữ ấm cho ong.Thùng ong làm bằng gỗ tốt để chống mối, mọt; thùng có kích thước 16 x 16 x 50 cm, 6 mặt bịt kín, để một lỗ nhỏ cho ong ra vào; thùng nên đầu tư một lần để tránh thay đổi thùng nuôi ảnh hưởng đến đàn ong.

Kỹ thuật lấy mật: Chọn khi thời tiết tốt, mùa hè nắng có ít gió, tổ ong đạt chuẩn có mật độ sung mãn.Kỹ thuật giúp đàn ong phát triển tốt, sản lượng mật cao so với các loại mật ong khai thác từ giống ong Ý (loại ong hiện đang được nuôi phổ biến), sản phẩm từ ong dú có giá trị cao gấp 3-4 lần; phấn hoa, sáp ong đều là thuốc quý cho người sử dụng, đàn ong cũng giúp cho người trồng cây trong vòng bán kính 4-5 km đạt năng suất cao nhờ ong thụ phấn.

Với 600 đàn ong dú, mỗi năm thu được 150-200 lít mật ong, mỗi lít có giá 1,5 triệu đồng, đàn ong giống 2,5 triệu/đàn và các sản phẩm khác, trừ chi phí mỗi năm, thu nhập của gia đình anh đạt 300-350 triệu đồng.

Bởi ong dú không ăn đường mà chỉ lấy mật hoa các loại, kể cả mật hoa cây dại tạo nên mật có tính sát khuẩn cao, có khả năng chữa lành các vết thương viêm loét đường tiêu hóa, đào thải chất độc hại trong cơ thể.

Đây là mô hình phù hợp với bà con nông dân ở địa phương, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế ổn định.Kỹ thuật nuôi ong dú dễ áp dụng, thích hợp ở vùng nhiệt đới, gió mùa của nước ta như các tỉnh duyên hải miền Trung từ Khánh Hòa trở vào.

                                                                                                Tiến Trình