00:00 Số lượt truy cập: 2677487

Kỹ thuật phòng và điều trị bệnh chướng bụng đầy hơi ở trâu, bò 

Được đăng : 07/02/2022

mediumidu1319526897

Ảnh minh họa

1.                Nguyên nhân.

Do trâu, bò ăn nhiều cỏ non, hoặc ăn phải thức ăn ôi thiu, mốc, đặc biệt là các loại củ quả ôi thối, các vi sinh vật có hại ở đường ruột phát triển, lên men sinh hơi qúa mức bình thường, bụng và dạ dày phình căng. Trong quá trình sinh hơi, nhu động của dạ dày, ruột giảm dần và ngừng hẳn gây ra hội chứng chướng bụng đầy hơi.

Các thức ăn như rơm, cỏ bị mốc, các loại cỏ thuộc họ đậu, cỏ bị ngâm sương đêm, cỏ bị ngâm nước lâu có sẵn nhiều đất hoặc bùn sẽ sinh ra nhiều hơi trong dạ cỏ, làm bụng bên trái của vật nuôi căng phồng.
Bệnh cũng có thể do bê nghé bú phải sữa chua hoặc bú vội sữa lọt vào dạ cỏ không tiêu được.

Bệnh còn do thời tiết chuyển mùa từ đông sang xuân, trâu bò đang ăn cỏ khô chuyển sang ăn cỏ xuân mới mọc hoặc ăn quá nhiều thức ăn tươi như ngọn ngô, ngọn mía, ăn phải cây có chất độc, nấm độc cũng dễ sinh bệnh.
Ngoài ra bệnh còn sinh ra do nhiều nguyên nhân khác:

+ Do trâu, bò yếu,  nhu động đường tiêu hóa kém.

+ Do trâu, bò phải làm việc nhiều (cày kéo), do vận chuyển vật nuôi đi xa mệt nhọc.

+ Do thời tiết thay đổi nắng, mưa.

+ Do tác động của vi sinh vật trong dạ cỏ, gặp điều kiện thuận lợi thức ăn lên men nhiều làm cho quá trình sinh ra các chất khí tăng nhanh. Các loại khí thường thấy trong dạ cỏ là CO2, CH3, N2, H2S, ngoài ra còn các chất khác như axit axetic, axit butiric, ….. Các hơi này thường chứa ở túi trên dạ cỏ và thường xuyên được ợ ra ngoài. Trung bình trong 1 giờ trâu bò ợ ra ngoài khoảng 50 lít hơi.

Nếu số hơi sinh ra trong 1 giờ lớn hơi không ợ, đẩy ra được nữa, khối thức ăn trong dạ cỏ bị xáo trộn và bị sủi bọt, do đó sinh bệnh. Trường hợp khi hơi sinh ra quá nhanh làm dạ cỏ bị vỡ và chèn ép các cơ quan hô hấp, tuần hoàn làm con vật khó thở, mũi nở rộng để thở, niêm mạc mắt mũi hậu môn bầm tím.

2. Triệu chứng.


- Biếng ăn, không nhai lại, bụng căng lên do tích hơi, khó thở
- Nếu bệnh nặng, con vật không đứng được, nằm nghiêng, bốn chân bơi đạp, bí đái ỉa.

- Nhiều khi do bụng chướng to, 2-3 giờ sau hõm hông bên trái to lên, cao hơn cả xương sống. Con vật bỏ ăn táo bón, rối loạn tuần hoàn, hô hấp,  con vật trúng độc, ngạt thở và chết.

3. Phòng bệnh.

 Thức ăn phải có chất lượng, không được để ôi thiu, nấm mốc.

 Không chăn thả trâu bò vào lúc sáng sớm khi sương dày đặc hoặc vẫn còn bám trên cỏ.

Khi vận chuyển trâu bò đi xa không nên cho ăn quá no, khi đến nơi ở mới cần pha các loại Vitamin C, Bcomplex cho trâu, bò uống để nhanh hồi sức và tăng cường sức đề kháng.

Không vận chuyển trâu, bò lúc trời nắng, nóng.

4. Điều trị.

Tuỳ theo mức độ nặng hay nhẹ mà dùng một trong các biện pháp sau:
Trước tiên, cho gia súc nhịn ăn, đứng 2 chân trước lên cao hoặc đi lên dốc để dạ cỏ không chèn ép phổi và tim.

Sau đó, cho gia súc uống 1 trong các loại dung dịch:

+ Dung dịch MgSO4 với liều 50-100g/con hòa với 0,5 - 1 lít nước.

+ Nước dưa chua: 0,5 - 1 lít.

+ Bia hơi: 0,5-2 lít.

Đồng thời, xoa bóp vùng dạ cỏ để kích thích ợ hơi. Có thể giã gừng tẩm vào rơm, vải thô, chà sát liên tục 30 – 60 phút ở hông bên trái. Làm như vậy nhiều lần nhằm tăng nhu động dạ cỏ.

Nắm lưỡi gia súc kéo nhịp nhàng lệch về một bên nhiều lần để kích thích ợ hơi.

Có thể dùng ống mềm (bằng cao su hoặc nhựa mềm) thông qua thực quản vào dạ cỏ, đồng thời dùng tay ấn mạnh vào hõm hông trái để hơi thoát ra ngoài. Moi phân ở trực tràng ra để thoát hơi.

Tăng cường nhu động dạ cỏ bằng cách tiêm Pilocarpine (đối với bệnh chướng hơi kế phát sau bệnh liệt dạ cỏ); tiêm thuốc trợ sức, trợ lực, liều theo hướng dẫn của hãng thuốc.

* Nếu dùng các biện pháp trên không hiệu quả, dạ cỏ vẫn chướng căng, nguy hiểm đến tính mạng gia súc thì phải cấp cứu bằng cách chọc troca.

Sát trùng vị trí giữa hõm hông trái của gia súc, chọc mạnh troca qua thành bụng, rút lõi từ từ, bịt đầu thoát của troca để hơi thoát từ từ, nếu cho hơi thoát nhanh thì áp lực máu ở não bị giảm đột ngột, gia súc bị sốc có thể chết.

Giữ troca cho hơi ra hết, để gia súc khỏe lại, khi rút troca phải cho lõi vào, để thức ăn không tiếp xúc vết thương gây viêm phúc mạc.

Dùng một trong các loại kháng sinh sau để chống nhiễm trùng như Gentamycin, Ampicillin, Penicillin, Cefamicin tiêm hoặc bơm thẳng vào dạ cỏ. Liều dùng theo hướng dẫn sử dụng của hãng thuốc.

Để bò nơi thoáng mát, cho ăn cháo gạo loãng có pha chút muối.

Tiêm bắp thịt VITAVET AD3E với liều 1ml/10 kg thể trọng nhằm tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò.

Có thể dùng một số bài thuốc Nam chữa bệnh:

Bài 1.

Tỏi ta 50-100g, rửa sạch, giã nhỏ, hòa với 200ml nước sạch.
Dùng cây chút chít 200g (có thể thay bằng Đại hoàng).

Nước sạch 1000ml.

Hoặc lấy cây chút chít rửa sạch, chặt ngắn. Cho 1000ml nước vào sắc kỹ, lọc lấy nước khoảng 500ml, để nguội. Nước thuốc chút chít trộn với nước tỏi cho trâu bò uống trong ngày. Làm liên tục trong 3 ngày bệnh sẽ khỏi.

Tỏi là một chất kháng sinh có tác dụng diệt vi sinh vật gây bệnh trong đường ruột. Chút chít có tác dụng kéo nước ở tế bào về ruột, kích thích cơ trơn tăng nhu động, vì vậy khối thức ăn được nhào trộn và đẩy về phía sau một cách nhanh chóng, sớm hồi phục lại sự cân bằng của hệ thống tiêu hóa. Con vật trở lại trạng thái bình thường.

Bài 2.

Dùng lá thị hay lá đậu hà lan 100g.

Nước sạch 500ml, rửa sạch, giã nhỏ hòa với 500ml nước sạch cho trâu bò uống trong ngày. Uống liên tục 2 ngày.

Lê Khôi