00:00 Số lượt truy cập: 2669127

Kỹ thuật trồng Ba kích tím dưới tán rừng 

Được đăng : 14/01/2022

thu-hoach-cay-ba-kich-o-thi-tran-thanh-son-son-dong
Thu hoạch cây ba kích ở thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động)

 

1. Thời vụ: có thể trồng 2 vụ trong năm

- Vụ xuân: từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm

- Vụ Hè thu: từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm

2. Chuẩn bị đất

- Chọn đất trồng có độ dốc vừa phải, tận dụng những khoảng đất trống chân đồi (không trồng xen) vừa dễ chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

- Tiến hành dọn sạch thực bì để làm đất dễ dàng, bảo đảm chế độ ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ trên mặt đất, tạo điều kiện cho Ba kích sinh trưởng tốt.

- Làm đất: Lên luống theo đường đồng mức, mặt luống rộng khoảng 1,2 mét, cao 20 – 30 cm; kích thước hố 40 x 40 x 40 cm, đất cuốc lên đập nhỏ để trên miệng hố phơi cho đất ải trước khi trồng ít nhất 15 ngày.

3. Chuẩn bị cây giống

- Giống giâm hom, hoặc cấy mô để hạn chế sự phân ly (thái hóa giống); cây con đủ tiêu chuẩn xuất vườn: Chồi thứ cấp cao 20 – 25 cm, rễ dài 4 – 6 cm, có 4– 5 cặp lá thật trở lên, cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh.

- Nếu giống ở nơi khác có thời tiết khí hậu khác so với địa phương, Trước khi trồng huấn luyện để cho giống thích nghi; thời gian khoảng 15-20 ngày.

4. Kỹ thuật trồng

- Thời điểm trồng: Chiều tối, sáng sớm hoặc những ngày trời mát.

- Cách trồng: Lấy cuốc xới đất ở hố lên, trộn đất với phân bón lót, dùng dao nhẹ nhàng xẻ dọc, lột bỏ vỏ bầu nilon, không làm vỡ bầu đất, đặt bầu cây thẳng đứng và cao ngang mặt đất ở giữa hố, lấp đất và nén chặt đất xung quanh theo chiều thẳng đứng, vun đất bột vừa kín mặt bầu. Sau đó tưới nước giữ ẩm.

- Mật độ: 5.000 - 7.000 cây/ha (hàng x hàng 1,5-2m, cây x cây 1m), tùy theo vị trí địa lý, độ dốc để trồng mật độ cho thích hợp

5. Bón phân, tủ gốc

 - Bón lót: 1kg phân chuồng hoai mục + 0,1 kg NPK cho mỗi hố ( tương đương 1 ha bón 10 tấn phân chuồng hoai mục + 500 kg NPK). Sau bón lót tiến hành lấp hố bằng lớp đất mặt khi đào hố.

- Bón thúc: năm thứ 2 trở đi mỗi năm bón bổ sung 0,1 - 0,2kg NPK cho mỗi hốc (tương đương 1 ha 1 – 2 tấn phân NPK, lưu ý từ năm thứ 2 trở đi bón loại NPK có tỷ lệ kali cao để bổ sung cho sự hình thành củ tốt hơn).

- Kỹ thuật bón: từ năm thứ 2 trở đi khi bón cần lưu ý giai đoạn này Ba kích bắt đầu hình thành củ. Khi bón tiến hành kết hợp làm cỏ, xới xáo lớp đất mặt trên luống, đào rãnh bón phân cách gốc ba kích 20-25cm sau đó lấp lại.

- Tủ gốc: tủ gốc bằng rơm, rạ, ràng ràng phơi khô để hạn chế nấm bệnh… để giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, rửa trôi xói mòn.

6. Làm giàn leo kiêm che nắng

- Ba kích là cây thân leo nên cần làm giá đỡ cho cây leo bám, nếu dây không leo được lên để đón ánh sáng sẽ sinh trưởng kém, còi cọc, củ ít và nhỏ; hơn nữa ba kích ở giai đoạn đầu mới trồng rất ưa bóng vì vậy làm giàn leo kiêm che nắng cho Ba kích là rất cần thiết khi trồng Ba kích.

- Sau trồng tiến hành làm giàn ngay để che nắng cho cây con giai đoạn sau trồng, làm giàn cho Ba kích nên làm giàn ngang dọc theo luống là hiệu quả nhất. Giàn cao 70-80cm, rộng 50-60cm có các trụ đỡ kiên cố (khoảng 3-4 năm) trải lá cây, rơm cỏ lên trên để làm giàn che cho cây. Hàng năm tiến hành sửa chữa, bổ sung giàn thường xuyên để giàn được chắc chắn.

7. Chăm sóc Ba kích

- Sản phẩm của cây Ba kích đem lại hiệu quả kinh tế là củ, nên phải có các biện pháp tác động cho rễ củ phát triển mạnh thì năng suất và hiệu quả mới cao.

- Chăm sóc cây trồng ở tuổi nhỏ trong 2 năm đầu là yếu tố quan trọng, các công việc chăm sóc chủ yếu là làm cỏ, xới đất, vun gốc để tạo điều kiện trao đổi khí làm đất tơi xốp, giữ ẩm cho cây sinh trưởng nhanh.

- Đặc biệt năm thứ 2 phải cắt điểm sinh trưởng ngọn để cây Ba kích sinh trưởng nhiều thân nhánh cấp 2, cấp 3 mới nhiều củ.

 8. Phòng trừ sâu bệnh hại

Định kỳ vệ sinh, phát dọn cỏ dại trên diện tích trồng Ba kích, kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ hữu hiệu. Ba kích thường có một số loại sâu bệnh gây hại sau:

- Bệnh lở cổ rễ: do nấm gây ra thường xuất hiện giai đoạn cây con, với bệnh này phải phòng là chính, nếu xuất hiện cây bị bệnh thì tiến hành nhổ bỏ và đốt những cây đã bị bệnh. Phun phòng trừ bằng cách kết hợp 2 loại thuốc là Boóc đô 1% + Ben lát 0,1%; phun đều trên mặt thân lá và gốc của Ba kích. Có thể dùng dung dịch thuốc đã pha tưới gốc để phòng trị bệnh.

- Bệnh đốm mắt cua: vết bệnh trên lá thường hình tròn, ở giữa có nhiều vòng đồng tâm,chính giữa có màu xám có các chấm đen nhỏ, xung quanh màu nâu đỏ, ngoài cùng có màu vàng. Vết bệnh trên thân cành chạy dọc theo chiều dài cành. Cây bị bệnh nặng thường cằn cỗi, chậm phát triển, lá vàng rụng. Phun phòng trừ bằng Boóc đô 1%, ngoài ra có thể dùng thuốc: Carbenzim 500FL: 20 – 25cc/bình 8 lít.

- Bệnh vàng lá thối rễ: thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện cây có triệu chứng bị bệnh tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy ngay; khi chớm xuất hiện bệnh héo rũ vàng lá thì sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun trị: Validamycin A, Daconil 75WP, Rhidomil Gold 68WP. Pha 8-10g/bình 16 lít, tưới đều hoặc phun kỹ thân cây gần mặt đất và xung quanh gốc cây vào sáng sớm hoặc chiều mát, phun nhắc lại lần 2 sau 5-7 ngày, hoặc dùng thuốc Boocdo 1% để tưới cho cây cũng hạn chế được bệnh.

- Bệnh héo xanh: do vi khuẩn (Pseudomonas solona Cearum) gây ra, để phòng trị bệnh này cần áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, nhất là dọn về sinh đồng ruộng và luân canh cây trồng khác họ. Dùng biện pháp hóa học bằng cách phun thuốc đặc trị Alpine 80WDG, phun trực tiếp vào các gốc Ba kích.

- Sâu cắn lá và ngọn: thường xuyên kiểm tra để phòng trừ kịp thời; biện pháp hóa học dùng thuốc Padan 95SP pha 25 – 30 gam cho bình 12 – 16 lít phun ướt đều trên tán lá.

- Rệp hại làm thui ngọn và lá non: phòng trừ bằng cách rắc tro bếp vào buổi chiều tối lên ngọn hoặc dùng dầu khoáng SKEnspray 99, thuốc trừ sâu Selecron, Actara để phun trừ rệp.

Vân Anh