00:00 Số lượt truy cập: 2672373

Kỹ thuật trồng Cây Trôm 

Được đăng : 02/06/2023
Cây Trôm là loài cây gỗ lớn cao 15m đến 20m, thân thẳng, hình trụ có múi. Cây cho gỗ trung bình dùng trong xây dựng và đóng đồ mộc gia dụng.

cay-trom

Cây Trôm


Đặc biệt cây cho nhựa dạng keo nở ra khi ngâm nước dùng làm nước uống giải khát, giải nhiệt; vỏ cây làm thuốc lợi tiểu; lá làm thuốc kháng sinh, tiêu viêm, nhuận tràng. Vỏ quả có chất nhầy làm săn da; hạt có dầu béo màu vàng nhạt, dịu, có tác dụng nhuận tràng, có thể ăn được hoặc thắp sáng, chữa ghẻ ngứa.

Cây Trôm là loài cây đa tác dụng được lựa chọn để trồng ở vùng đất khô hạn (có khả năng chịu hạn), thường được trồng ở những nơi khô hạn của các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên để che phủ đất và lấy nhựa bán.

Cây Trôm có thể trồng bằng cành hoặc bằng hạt:

* Kỹ thuật trồng cây Trôm bằng hạt

1. Trồng trực tiếp bằng hạt

- Thời vụ trồng: vào mùa mưa khi đất đã đủ ẩm.

- Chuẩn bị đất trồng: Cày toàn bộ diện tích để diệt cỏ, diệt cây gai, cây bụi và cày 2 lần để đất tơi xốp.

- Hố trồng được đào sâu từ 40 đến 60cm giống như các cây thông thường khác, nếu đất xấu nên bón lót phân lân hoặc phân vi sinh, phân chuồng hoai mục.. tối thiểu 0,5kg/hố trộn đều với đất ở nơi sẽ gieo hạt.

- Mật độ trồng và khoảng cách trồng: Tùy vào vùng đất ta trồng với mật độ cho thích hợp; trồng cự ly hàng cách hàng, cây cách  cây: 4 x 4m hoặc 3 x 3m hoặc 2,5 x 3m.

- Hạt giống được ngâm một đêm sau đó ủ cho nứt nanh (nảy mầm) rồi đưa đi gieo hạt trực tiếp trên diện tích đã chuẩn bị.

- Cách gieo hạt: Dùng tay ấn hạt vào đất đã trộn phân bón lót, hạt để nằm ngang, ấn sâu xuống khoảng 2cm sau đó lấp một lớp đất mỏng 1cm.

2. Trồng bằng cây con gieo ươm từ hạt

Có thể tận dụng thời gian mùa khô để gieo ươm hạt tạo thành cây con với bộ rễ phát triển, khi mùa mưa đến sẽ đưa đi trồng; cây Trôm trồng bằng cây con gieo ươm từ hạt sẽ sinh trưởng nhanh hơn trồng trực tiếp bằng hạt; có thể gieo ươm hạt để tạo cây con rễ trần hoặc cây con có túi bầu:

+ Kỹ thuật gieo ươm tạo cây con rễ trần

- Sau khi thu hái những quả chín cần tách vỏ lấy hạt để nơi thoảng mát hong khô hạt, lưu ý không phơi nắng; khi hạt đã khô sẽ ủ trong cát để bảo quản. Thời gian bảo quản khoảng một tháng cần đưa vào sử dụng, nếu để lâu ngày sẽ giảm tỷ lệ nảy mầm; nếu thu hái xong sử dụng ngay thì càng tốt, tỷ lệ nảy mầm có thể đạt trên 95%.

- Hạt đưa vào sử dụng cần ngâm nước một đêm (12 giờ) sau đó rửa sạch, để ráo nước rồi đưa vào ủ; dùng bao bố hoặc vải trải ra sân, đổ hạt lên, dàn đều rồi đậy lại bằng lớp vải, phủ rơm lên trên; cũng có thể cho hạt vào túi vải để ủ trong cát. Hạt ủ sau 24 giờ cần được kiểm tra, nếu có hạt nứt nanh (nảy mầm) sẽ lấy ra cấy vào luống đất, những hạt còn lại cần được rửa chua để ráo nước rồi tiếp tục ủ và rửa chua hàng ngày; thường ủ hạt từ 5 đến 7 ngày, nếu sau đó còn hạt chưa nảy mầm sẽ loại bỏ.

- Chuẩn bị luống đất để cấy hạt: Đất vườn ươm được cày bừa kỹ đảm bảo tơi xốp, đánh thành luống cao 25cm, rộng mặt luống 1,2m, rộng chân luống 1,5m, dài khoảng 10m, bên cạnh luống có lối đi rộng 0,5m.

Nếu đất vườn ươm là đất cát nghèo dinh dưỡng cần trộn thêm phân chuồng hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh 1kg/m² mặt luống và 0,1kg phân lân/m² mặt luống.

- Cấy hạt vào luống đất với mật độ 100 hạt/m², khoảng cách (0,lmx0,1m). Khi cấy để hạt nằm ngang dùng tay ấn nhẹ hạt sâu 2cm rồi lấp một lớp đất mỏng 1cm; trước khi cấy hạt cần tưới ướt mặt luống.

- Tưới nước: Sau khi cấy hạt sẽ tưới nước hàng ngày, 15 ngày đầu cần tưới nước 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát; sau đó tưới 1 lần/ngày vào buổi sáng, sau 1 tháng thì 2 đến 3 ngày tưới 1 lần.

- Làm cỏ: Nếu có cỏ trên mặt luống cần nhổ bỏ và dùng cuốc làm sạch cỏ giữa 2 luống.

- Hạt gieo sau 2 tháng tạo thành cây con cao khoảng 30cm đến 40cm có thể đưa cây đi trồng, trước khi đưa cây đi trồng 1 tuần ngừng tưới nước và cắt bớt lá; chiều hôm trước khi đưa cây đi trồng cần tưới ướt đẫm luống, sáng sớm hôm sau dùng xẻng đào dưới chân luống nhấc từng cây ra, tách đất khỏi rễ cây để có cây rễ trần, xếp cây thành từng bó, lấy đất thịt hòa với nước trong chậu tạo thành dung dịch đất loãng rồi nhúng rễ của từng bó cây vào tạo thành lớp dung dịch đất bao quanh rễ cây rồi vận chuyển đi trồng, khi vận chuyển bằng xe phải dùng lưới đen 50% hoặc 70% để che nắng cho cây.

+ Kỹ thuật gieo ươm cây con có túi bầu

Hạt cây Trôm trước khi cấy vào bầu cũng được xử lý như đã trình bày ở phần trên (kỹ thuật gieo ươm tạo cây con rễ trần)

- Túi bầu thường dùng bằng chất đẻo PE có kích thước dẹt 13cm x 18cm, đáy túi dán kín nhưng có đục lỗ ở thành túi để thoát nước, khi đổ đầy hỗn hợp ruột bầu thành hình trụ có đường kính khoảng 8cm chiều cao khoảng 16cm, có thể tích khoảng 0,0008m³ (1m hỗn hợp ruột bầu tạo được khoảng 1.200 bầu cây).

- Hỗn hợp ruột bầu tối thiểu phải có 30% đất thịt, 10% phân chuồng hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh và 1% phân lân, còn lại là đất cát; nếu có điều kiện mỗi túi bầu có thể cho thêm 0,001kg chất giữ ẩm AMS.1; hỗn hợp ruột bầu được trộn đều rồi cho vào túi bầu, xếp túi bầu thành luống trong vườn ươm, chiều rộng mặt luống khoảng 1,2m, đắp đất vào 2 bên tạo thành chân luống rộng khoảng 1,5m, chiều dài luống khoảng 10m, giữa 2 luống có lối đi khoảng 0,5m.

- Cấy hạt đã nứt nanh vào túi bầu: Đặt hạt nằm ngang giữa mặt túi bầu, dùng tay ấn nhẹ hạt sâu 2cm rồi lấp một lớp đất mỏng 1cm, trước khi cấy hạt cần tưới ướt đẫm túi bầu; sau đó thường xuyên tưới nước, làm cỏ, phá váng mặt bầu.

- Sau gieo hạt 2 tháng, cây có chiều cao 30cm đến 40cm thì có thể đưa đi trồng, trước khi trồng l tuần ngừng tưới nước, chiều hôm trước khi đưa cây đi trồng cần tưới ướt đẫm túi bầu.

* Một điều đáng lưu ý là cách khai thác nhựa (mủ) Trôm: Người ta thường dùng ống sắt có đường kính 2cm đục vào lớp vỏ cây, đục sâu vừa đến thân gỗ, lấy lớp vỏ cây đã bị đục rời ra. Sau khi đục lớp vỏ cây, nhựa Trôm sẽ chảy ra quanh vết đục trên thân cây, khi nhựa đã cứng thì gỡ cục nhựa ra để sử dụng.

Ngọc Ngân