00:00 Số lượt truy cập: 2927961

Kỹ thuật trồng cây xoan chịu hạn 

Được đăng : 07/03/2023


tai-xuong-112345678

 

Tên khoa học: Azadirachta indica A.Juss.

Xoan chịu hạn lâu năm cao khoảng 30m, chu vi thân 2,5m, tán lá rộng đến 10m; cây có thể sống hơn 200 năm; là loài cây ưa sáng, mọc nhanh, chịu được khí hậu khắc nghiệt và đất nghèo dinh dưỡng, có thể trồng ở độ cao 5m từ mặt biển lên đến 700m, lượng mưa thích hợp từ 400mm đến 1200mm/năm, nhiệt độ không khí chịu được tối đa 50°C; song Xoan chịu hạn không chịu ngập nước.

Xoan chịu hạn có hoa lưỡng tính; Hoa nhỏ màu trắng nở thành chùm ở nách lá. Mật ong từ nguồn hoa Xoan chịu hạn cho giá trị cao; quả Xoan chịu hạn có hình oval, dài gần 2cm, khi chín có vỏ màu vàng, sau lớp vỏ là cơm mềm có vị ngọt bao quanh hạt; hạt Xoan chịu hạn có vỏ cứng và có nhân, thường có 2 đến 3 nhân trong một hạt, nhân hạt được sử dụng ép dầu làm thuốc trừ sâu sinh học và nhiều loại sản phẩm khác.

Có thể trồng Xoan chịu hạn bằng cách gieo hạt thẳng hoặc trồng cây con được nhân giống từ hạt, từ chồi rễ, từ nuôi cấy mô; Xoan chịu hạn sau khi trồng 3 năm có thể bói quả nhưng từ năm thứ 5 mới có nhiều quả, mỗi cây có thể cho tới 50kg quả một năm nếu được chăm sóc tốt.

* Kỹ thuật trồng cây Xoan chịu hạn

Hiện nay, Xoan chịu hạn chủ yếu được trồng bằng cây con nhân giống từ hạt. Trong tương lai nếu tuyển chọn được cây đầu dòng có những đặc tính tốt, có thể áp dụng phương pháp nhân giống vô tính để tạo cây con có năng suất, chất lượng cao.

Kỹ thuật gieo ươm cây Xoan chịu hạn từ hạt

+ Ngâm ủ hạt giống:

- Sau khi thu hái quả, cần đãi sạch lớp cơm mềm để lấy hạt, bỏ những hạt nhỏ, lép, dập vỡ, hong khô hạt nơi thoáng mát (tránh nắng nóng). Sau đó, ủ hạt trong cát ẩm để bảo quản. Thời gian bảo quản ngắn (2 đến 3 tuần) cần đưa vào sử dụng, tỷ lệ nảy mầm có thể đạt 80%, nếu để lâu ngày sẽ giảm nhanh tỷ lệ nảy mầm.

- Hạt đưa vào sử dụng cần ngâm nước 2 sôi 3 lạnh 3 (54°C đến 60°C) trong 24 giờ. Sau đó rửa sạch, để ráo nước rồi đưa hạt vào ủ. Sử dụng bao bố hoặc vải trải ra sân, đổ hạt lên, dàn đều rồi đậy lại bằng lớp vải, phủ rơm lên trên. Cũng có thể cho hạt vào túi vải để ủ trong cát. Hạt ủ, hàng ngày cần được kiểm tra. Nếu có hạt nứt nanh (nảy mầm) sẽ lấy ra cấy vào túi bầu. Những hạt còn lại phải rửa hết chua, để ráo nước rồi tiếp tục ủ. Thường ủ hạt từ 5 đến 7 ngày. Nếu còn hạt chưa nảy mầm thì loại bỏ.

+ Chuẩn bị túi bầu và hỗn hợp đất ruột bầu:

- Túi bầu gieo hạt Xoan chịu hạn thường bằng chất dẻo PE có kích thước dẹt 13cmx18cm, đáy túi dán kín nhưng có đục lỗ ở thành túi để thoát nước. Đổ đầy hỗn hợp ruột bầu thành hình trụ có đường kính khoảng 8cm, chiều cao khoảng 16cm, thể tích khoảng 0,0008m (1m3 hỗn hợp ruột bầu tạo được khoảng 1.200 bầu cây)

- Hỗn hợp ruột bầu tối thiểu phải có khoảng 30% đất thịt, 10% phân chuồng hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh. Hỗn hợp ruột bầu được trộn đều rồi cho vào túi bầu, nếu có điều kiện, mỗi túi bầu có thể cho thêm 0,001kg chất giữ ẩm AMS.1.

Xếp túi bầu thành luống trong vườn ươm, chiều rộng mặt luống khoảng 1,2m. Đắp đất vào 2 bên tạo thành chân luống rộng khoảng 1,5m, chiều dài luống khoảng 10m. Giữa 2 luống có lối đi khoảng 0,5m (khi thiết kế vườn ươm với chiều rộng 2m, sẽ có 1 luống và 1 lối đi).

- Hạt Xoan chịu hạn nứt nanh được cấy vào túi bầu bằng tay. Ấn nhẹ hạt ngập sâu trong đất khoảng 2cm, sau đó gạt đất lấp hạt. Khi cấy để hạt nằm ngang, không làm ảnh hưởng đến mầm hoặc đầu hạt đã nứt nanh. Trước khi cấy hạt vào bầu phải tưới nước cho bầu cây.

 - Sau khi cấy hạt vào bầu, hàng ngày cần tưới nước. Trong khoảng 15 ngày đầu, mỗi ngày tưới hai lần vào sáng sớm và chiều mát. Sau 15 ngày, mỗi ngày tưới một lần và sau 30 ngày thì 2 đến 3 ngày tưới một lần. Trước khi đưa cây đi trồng khoảng 20 ngày thì ngừng tưới nước. Trước ngày đưa cây đi trồng tưới ướt đẫm bầu cây để hôm sau ấy bốc dỡ, vận chuyển cây được an toàn.

- Làm cỏ, phá váng nếu thấy mặt đất bầu cây tạo váng mọc rêu và có nhiều cỏ. Thời gian và số lần làm cỏ, phá váng tùy từng vườn ươm. Khi váng rêu và cỏ ảnh hưởng không tốt đến cây là phải làm cỏ, phá váng. Thường phải làm trong 30 ngày đầu khi tán cây còn nhỏ.

- Đảo bầu và dãn bầu: Để tránh rễ cây ra khỏi bầu ăn sâu xuống đất, cần tiến hành đảo bầu, nhấc bầu lên, xếp sang vị trí khác. Thường nhấc 2 hàng bầu cây ra ngoài luống rồi xếp dồn những hàng bầu dưới lên. Bỏ những bầu cây bị chết hoặc cây quá nhỏ, quá yếu. Xếp 2 hàng bầu cây đã nhấc ra ngoài vào vị trí cuối. Nếu cây cần để lâu ngày (trên 4 tháng) có thể dãn bầu: Xếp 2 hàng cây liền nhau để cách ra một hàng không có bầu cây rồi lại xếp tiếp 2 hàng cây liền nhau để tạo sự thông thoáng cho những cây trong vườn ươm khi cây đã khép tán.

- Thời gian ươm cây Xoan chịu hạn trong vườn ươm khoảng 4 tháng, cây cao khoảng 30cm đến 40cm, đường kính cổ rễ khoảng 0,3cm đến 0,5cm có thể đưa đi trồng. Trường hợp trồng Xoan chịu hạn ở nơi có tầng cát dày có thể phải ươm từ 6 tháng đến 8 tháng để cây có chiều cao 60cm đến 80cm, đường kính cổ rễ 0,5cm đến 0,7cm.

b) Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Xoan chịu hạn

- Thời vụ trồng vào mùa mưa, khi đất đã đủ ẩm.

- Mật độ và khoảng cách trồng: Nếu trồng cây lấy quả, có thể trồng với mật độ 500 cây/ha (5m x 4m), giữa hai hàng cây có thể trồng xen cây nông nghiệp. Nếu trồng cây để phòng hộ môi trường, lấy gỗ, củi có thể trồng dày với mật độ 1.700 cây/ha (3m x 2m).

- Chuẩn bị đất: Cày toàn bộ diện tích để diệt cỏ, diệt cây gai, cây bụi.

- Đào hố kích thước 30cmx30cmx30cm trước khi trồng tối thiểu 1 tuần. Ở nơi có tầng cát dày phải đào hố sâu 40cm đến 60cm.

- Trồng cây: Nếu trồng cây lấy quả, cần bón lót phân chuồng hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh tối thiểu 1kg/cây. Trộn đều phân với lớp đất mặt, rồi lấp đầy hố. Nếu có điều kiện, trộn thêm chất giữ ẩm AMS.1 với lượng 0,01kg/hố.

Khi trồng cây, móc đất trong hố rồi đặt bầu cây đã xé túi bầu vào hố, lấp đất đầy hố. Trường hợp bầu cây bị vỡ, cần cầm cây nhấc cao cho rễ thẳng rồi lấp đất đầy hố, dùng chân dẫm chặt đất xung quanh gốc cây. Sau khi trồng, tưới cho mỗi cây khoảng 5 lít nước (nếu có điều kiện). Trồng cây phòng hộ môi trường hoặc cây lấy gỗ củi không cần phân bón, nhưng nếu có thì càng tốt, cách trồng tương tự như trên.

- Chăm sóc cây trồng: Đối với cây trồng lấy quả sau khi trồng khoảng 3 tháng, nếu có nhiều cỏ thì rẫy cỏ, vun gốc với đường kính 0,8m quanh gốc cây. Sử dụng phân DAP hoặc NPK 16-16-8 bón 100g/cây. Rải đều phân cách gốc cây 20cm rồi lấp đất. Những năm tiếp theo, chăm sóc 2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa. Cỏ được rẫy với đường kính 1m đến 1,2m quanh gốc cây.

Năm thứ 2, mỗi lần chăm sóc, sử dụng phân chuồng hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh 2kg/cây và phân DAP, NPK16-16-8 với 100g/cây. Phân rải đều quanh gốc cây theo đường kính tán cây rồi lấp đất. Nếu có điều kiện tưới nước theo hình thức tưới phun mưa hoặc tưới nhỏ giọt cây sẽ cho quả sớm với sản lượng cao. Năm thứ 3 cây có thể bói quả, cần bón phân DAP hoặc NPK16-16 8 với 200g/cây mỗi lần chăm sóc. Sau thu hoạch quả bói (hoặc cắt bỏ hoa không lấy quả lần đầu) cần bón phân chuồng hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh 5kg/cây. Những năm sau cũng chăm sóc, bón phân như năm thứ 3 nhưng lượng phân bón tăng dần từ 20% đến 50% mỗi năm. Đối với cây trồng phòng hộ và lấy gỗ, củi thường không bón phân, khi thấy nhiều cỏ có thể cày đất diệt cỏ và cày lật đất vào hàng cây. Lưu ý khi cày không được làm đứt rễ cây.

 - Phòng trừ sâu bệnh: Xoan chịu hạn ít khi bị sâu, bệnh, nhưng cũng có một số loài côn trùng hút nhựa cây có thể làm chết những cây non. Một số loài động vật như chuột, nhím gặm nhấm vỏ cây. Dê ăn lá có thể gây hại cho cây. Các loài chim và dơi ăn quả có thể làm giảm sản lượng hạt. Cành Xoan chịu hạn thường dễ gãy khi gặp gió lớn. Ngoài ra, lửa có thể gây cháy lớn nếu không được bảo vệ tốt.

Phạm Nghiêu