00:00 Số lượt truy cập: 2669249

Kỹ thuật trồng giống dưa hấu Mỹ F1 

Được đăng : 06/12/2021

 

Giống dưa hấu Mỹ to nặng 8 - 11kg; sinh trưởng mạnh, rất sai quả; vỏ sọc xanh dai; thịt đỏ ngọt và lưu trữ rất lâu. Kháng bệnh héo rũ, bệnh thán thư, và nứt thân chảy nhựa trên thân cây.

1.     Chọn đất

Chọn đất xa khu đô thị, khu công nghiệp, đất sạch không bị ô nhiễm, chủ động nguồn nước sạch để tưới và chủ động thoát úng khi gặp mưa to; Đất phù hợp trồng dưa hấu Mỹ là loại đất thịt nhẹ, đất cát pha, tơi xốp, giàu mùn và dinh dưỡng. Nên chọn đất phù sa, giàu chất dinh dưỡng, đất tơі xốp và thoát nước tốt, độ PH trung tính.

 Đất trồng dưa nên luân canh với cây trồng khác họ lúa, ngô, cây họ đậu.

Làm đất: Làm đất cày sâu, bừa kỹ, phơi ải, bón vôi, kên luống rộng 2,5 – 3 m, Rãnh rộng 30cm, sâu 25 cm. Hướng luống đông – tây để có nhiều ánh sáng. Xử lý đất bằng vôi bột 300 kg/ha, Vicarben 30 kg/ha để chống sâu xám và nhộng của các loại côn trùng.

Sau khi bón lót, tiến hành phủ màng nông nghiệp. Hướng mặt bạc lên trên, mặt đen xuống dưới để giữ đất tơi xốp, giữ ẩm, ấm cho cây, tránh rửa trôi dinh dưỡng khi mưa to, tránh cỏ dại.

2. Thời vụ trồng

a. Các tỉnh phía Bắc

Có thể trồng 2 vụ:

Vụ xuân hè: Gieo vào cuối tháng 2, trồng từ 10/3 – 15/3, thu hoạch tháng 5.

 Vụ đông: Gieo hạt cuối tháng 8, trồng đầu tháng 9, thu hoạch đầu tháng 12.

b. Các tỉnh phía Nam

Trồng quanh năm, trừ các tháng khí hậu quá khắc nghiệt.

2.     Kỹ thuật làm vườn ươm

Vườn ươm làm trên khu đất cao, không ngập úng có mái che mưa, có lưới đen che nắng, xung quanh bao bằng lưới chắn côn trùng.

Ngâm hạt trong nước ấm từ 4 – 5 giờ. Vớt hạt dùng nước sạch rửa hạt, sau đó  ủ hạt trong khăn bông 2- 3 ngày ở nhiệt độ 28 – 30 độ C cho nứt nanh. Sau đó đem gieo vào bầu, đặt hạt nằm ngang, rễ quay xuống dưới.

Túi bầu làm bằng nilon đường kính 10 cm, cao 10 – 12 cm, đất bầu gồm ½ đất bột sạch + ½ phân chuồng đã ủ hoai mục. Sau khi gieo hạt xong lấp lớp đất mỏng phủ hạt, tưới đủ ẩm. Sau 3 ngày cây con mọc, thu lưới đen để có nhiều nắng cho cây khỏe. Sau 1 tuần có thể trồng ra đồng. Vụ xuân sau gieo khoảng 20 ngày đem trồng.

3. Mật độ, khoảng cách

Khoảng cách thích hợp: Hàng cách hàng 0,5 m; cây cách cây 2,5 m); mật độ trung bình khoảng 8000 cây/ha.

4. Trồng cây

Khi cây con có 2 lá thật tiến hành trồng ra ruộng. Rạch bỏ túi bầu, dùng cuốc tách 1 lỗ vừa bằng bầu cây, đặt cây vào lỗ làm sẵn, lấp đất, khi trồng xong mặt bầu bằng mặt luống. Trong 7 ngày đầu tưới 1 lần/ngày.

5. Phân bón

a. Lượng phân bón (tính cho 1 ha)

Tùy theo độ màu mỡ của đất mà bón phân ở mức thấp nhất và mức cao nhất.

Bón lót: Phân chuồng mục nên bón 30 tấn/ha, lân super bón 150 kg/ha.

– Bón thúc: N: 150 kg/ha; Kali: 150 kg/ha.

b. Cách bón

Bón lót: rải đều phân theo rạch sau đó lấp đất.

 Bón thúc:

Lần 1: sau trồng 7 – 10 ngày, khi cây đã hồi xanh, hòa loãng phân đạm và kali tưới xung quanh gốc.

Lần 2: sau trồng 15 ngày, hòa loãng phân đạm và kali tưới vào gốc.

Lần 3: khi cây ra hoa, 25 ngày sau trồng, xới xáo,bón phân đạm và kali trộn lẫn vào gốc vun nhẹ, tưới đẫm nước.

Bón thúc nuôi quả: Sau khi thụ phấn, đậu quả, chia làm 3 lần, cứ 1 tuần tưới 1 lần, hay bón vào gốc, sau đó tưới tràn. Trước khi thu hoạch 10 ngày hòa loãng phần kali còn lại để tưới gốc cho quả ngọt.

6. Tưới nước, chăm sóc

a. Tưới nước

Tưới tràn vào rãnh, để đủ ngấm 2/3 luống, sau đó phải tháo ngay, mùa hanh khô 1 tuần tưới 1 lần. Khi dưa có quả cần tưới đều đặn, tránh làm nứt quả. Trước khi thu hoạch 10 ngày ngừng tưới nước để tăng độ ngọt.

b. Chăm sóc

 Tỉa nhánh: Khi dưa ra ngọn, cần tỉa bớt nhánh mỗi cây để 2 nhánh. Thường xuyên tỉa nhánh, nhất là các nhánh gốc và nhánh cấp 2, cắt bằng kéo vào lúc trời khô ráo.

Lấy que tre ghim dây vào sát mặt đất để gió không làm lật dây.

Khi cây ngả ngọn cần trải rơm, rạ để tua bám, tránh gió lật dây

Thụ phấn: Thụ phấn là biện pháp kỹ thuật quan trọng để chăm sóc cây. Thụ phấn bổ sung bằng tay vào buổi sáng 6 – 8 giờ, ngắt hoa đực nở to chấm phấn đều lên nhụy hoa cái.

 Chọn quả: Nên để mỗi dây 1 quả, ở vị trí hoa 3 – 4, quả có cuống to, dài, bầu to, không sâu bệnh. Nếu quả nằm chỗ trũng kê đất, lót rơm để quả không thối.

7. Phòng trừ sâu bệnh:

Nên rắc thuốc Basudin hoặc Furadan để xử lí đất, diệt tuyến trùng, dế, sâu đất… và các loại côn trùng có hại khác.

 Các loại sâu ăn lá, bọ rùa, sâu xanh phun Sheppa theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì. 

Bọ trĩ phun thuốc Actara, sâu vẽ bùa phun thuốc Vertimec theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Bệnh thán thư, nứt thân, chảy mủ phun  thuốc Score

Bệnh đốm lá dùng Ridomil phun theo hướng dẫn sử dụng.

8. Thu hoạch

Khi quả chín 70 – 80% thì thu hoạch. Dùng dao sắc cắt đứt cuống dài 5 cm, xếp vào thùng cứng sạch, có lót nhẹ để không làm dập quả, vận chuyển về kho bảo quản, phân loại đem tiêu thụ.

T. Khuyên