00:00 Số lượt truy cập: 2662942

Kỹ thuật trồng hoa lan đai châu (Rhynchostylis gigantea L) 

Được đăng : 15/04/2020

lan21

1. Đặc điểm cây hoa lan đai châu

Lan Đai Châu là giống lan bản địa của Việt Nam, phân bố rộng ở các vùng có khí hậu nhiệt đới.

- Rễ: Rễ To, mập, phân nhánh mạnh, đường kính rễ: 1,1-1,3 cm, đầu rễ mầu xanh, bám chắc vào giá thể hoặc treo lơ lửng.

- Thân: Phong lan, đơn thân, mập (1,5-1,8 cm), cao 50-70 cm. Thân có nhiều cuống lá bao bọc.

- Lá: Lá thuôn, hình dải, dày, cứng, màu xanh đậm, mặt dưới của lá nhìn rõ các vân trắng kẻ dọc. Lá xếp dày đều đặn trên thân. Đầu lá chia 2 thuỳ không đều, đôi khi vát chéo, có gai nhọn từ gân chính, lá hơi gấp theo gân chính.

- Hoa: Hoa chùm hoa mọc từ nách lá, buông xuống, dài 15-25 cm, đường kính 7-8 cm. Mỗi cây ra 1-4 chùm hoa, mỗi chùm gồm nhiều hoa nhỏ xếp dày xít trên cuống chung. Hoa màu trắng đốm tím, kích thước hoa 2-2,2 cm, môi có sọc tía, đỉnh chia 3 thuỳ nhỏ, mỏng, dài 8mm, màu trắng. Hoa thơm, nở vào tết âm lịch, độ bền 1,5-2 tháng

2. Thời vụ trồng hoa lan đai châu

Ghép cây vào cuối xuân sang đầu hè (tháng 4) là thích hợp nhất, tránh trồng vào vụ thu- đông vì thời tiết hanh khô, khi gặp lạnh cây sinh trưởng kém, rễ bị héo,  cây chậm ra rễ.

3. Giá thể trồng hoa lan đai châu

- Gỗ ghép là đoạn cây thân gỗ đã bỏ vỏ, có kích thước dài 30-40 cm, đường kính 20-30cm, chọn gỗ nhãn, vải hoặc vú sữa là tốt nhất, các khúc gỗ vừa phải có thể treo trên giàn lan. Khúc gỗ to, dài thường được đặt trong chậu và đổ xi măng tạo cây giả.

- Chậu và giá thể trồng: Chọn chậu đất nung hoặc chậu thang gỗ có nhiều lỗ lớn, kích thước chậu tùy thuộc số lượng cây trồng. Thành phần giá thể dùng phải đảm bảo sự thông thoáng bao gồm: rêu khô, than củi, củi vụn.

4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan đai châu

4.1. Thiết kế vườn

- Khung sườn giàn lan: bằng cột bằng xi măng hay ống tuýp nước (phi 48), chiều cao cột: 3,5- 4m. Khoảng cách giữa các hàng cột 3-4m.

- Giàn cao khoảng 1,5 – 1,7m so với mặt đất, được gác bởi các thanh ngang đỡ, độ rộng giàn 3 m, các thanh dọc gác trên thanh ngang để treo lan.Nếu trồng chậu thì thiết kế giàn cao so với mặt đất 1-1,2m, căng lưới B40 lên trên để đặt chậu lên trên mặt giàn.

- Hệ thống rào chắn: Hàng rào bằng lưới B40 hoặc lưới chống côn trùng.

- Mái che: Dùng lưới đen hoặc lưới xanh che giảm được 15-20% ánh sáng.

4.2. Hệ thống tưới

- Dàn phun sương tự động: Gồm máy bơm, téc chứa nước, hệ thống ống dẫn bố trí song song nhau cách nhau 1,2m, cách mặt đất 2,5 – 3 m, cao hơn dàn treo lan 1m, các vòi phun cách nhau 2m, xếp so le nhau.

- Ngoài ra, có thể thiết kế thêm vòi tưới phun tay bằng máy áp lực.

4.3. Chọn cây giống và xử lý cây trước khi trồng

- Cây giống nhân từ nuôi cấy mô, cần phải qua giai đoạn vườn ươm, chỉ trồng trên vườn sản xuất khi cây đạt ít nhất 1 năm tuổi.  Trước khi trồng 5-7 ngày cần được phun Daconil để sát trùng, loại bỏ nấm bệnh.

4.4. Kỹ thuật trồng

- Ghép trên thân gỗ:

+ Định vị cây lan vào gỗ bằng miếng nhựa nhỏ, dùng miếng nhựa ép thân cây vào gỗ và dùng 4 chiếc đinh cố định 2 bên thân cây lan. Nếu cây to, có rễ lớn cần cố định nhiều điểm ở thân hoặc rễ cây vào gỗ. Yêu cầu cây phải gắn chặt vào gỗ không bị rơi và không làm dập thân, rễ và lá cây.

+ Mỗi khúc gỗ có thể ghép từ 5-9 cây, với khúc gỗ to có thể ghép nhiều hơn. Ghép đều  xung quanh khúc gỗ đảm bảo tính thẩm mỹ của giò lan.

- Trồng trong chậu:

            Bọc một ít rêu khô vào phần gốc, rễ cây. Đặt cố định cây đứng vững trong chậu sao cho lá dưới cùng của cây phải nằm ngang mặt chậu, có thể dùng dây để cố định cây lan vào chậu, sau đó bỏ than củi và củi vụn vào đến miệng chậu.

4.5. Chăm sóc cây

- Chăm sóc cây sau khi ghép:

            - Để cây ở nơi ẩm mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Tưới nước dạng phun sương mù cho ẩm đều mặt lá và giá thể định kỳ ngày 1 -2 lần vào sáng và chiều mát.

- Dùng Rootplex hoặc B1 pha với lượng 10ml/bình 10 lít nước, phun 2 tuần/lần. Phun ướt đều lá và giá thể. Lượng phun 6 - 8 bình 10 lít/1.000m2

- Chăm sóc sau khi cây hồi xanh:

Sau khi cây xuất hiện rễ mới (khoảng 1 tháng sau trồng):

- Tưới nước: Tưới nước ngày 1 lần với cây ghép gỗ và 2 ngày 1 lần với cây trồng chậu. Tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

- Bón phân: Tưới phun phân HT-Orchid 222 (21:21:21), 5 ngày 1 lần, nồng độ 1%. Phun ướt đều trên lá và giá thể. Ngoài ra, có thể bổ sung thuốc kích thích sinh trưởng Atonik 1.8 DD hoặc Vitamin B1 dùng 10ml/ 10 lít nước, 10 ngày 1 lần.

Phun bổ sung GA3 cho cây với nồng độ 150ppm, phun vào tháng 6 và tháng 9 mỗi thời điểm phun 2 lần cách nhau 15 ngày.

- Chăm sóc cây trưởng thành:

+ Tưới nước: tưới 1 lần/ngày, những ngày nắng nóng tưới 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát.

+ Bón phân: HT-Orchid 222 (21:21:21), tưới 5 ngày 1 lần. Phun ướt đều mặt lá và giá thể.

+ Phun bổ sung GA3 cho cây 2 năm tuổi với nồng độ 200ppm, phun vào tháng 3 tháng 6 và tháng 9 mỗi thời điểm phun 2 lần cách nhau 15 ngày.

- Chăm sóc cây thời kỳ ra hoa:

            + Tưới nước 2- 3 ngày 1 lần để duy trì độ ẩm cần thiết cho bộ lá cây không bị xuống màu (vàng).

+ Bắt đầu từ giữa tháng 9 tưới phân HT-orchid 2 (6:30:30), tưới 7 ngày 1 lần ướt đều trên lá và giá thể. Phun, tưới định kỳ 1 tuần 1 lần.

+ Khi nụ hoa to, sắp nở thì dừng hẳn. Lưu ý, tránh phun vào nụ và hoa.

5 . Phòng và trị sâu, bệnh hại

- Bệnh thối nhũn (do vi khuẩn Erwinia spp.)

+ Triệu chứng: Lá hay cuống lá có đốm, vệt màu trắng trong hay phỏng nước từ từ loang to, vết thối nhũn ra và có mùi hôi.

+ Phòng trừ:

Cách ly cây bệnh

Bôi dung dịch Steptomicine + Ridomil đậm đặc vào chỗ cắt.

- Bệnh đốm lá (do nấm Anternaria dianthi)

+ Triệu chứng: Bệnh đốm lá: lá bị đốm nâu hoặc đốm đen, vết đốm nhỏ, năm rải rác ở cả mặt trên và mặt dưới lá.

+ Phòng trừ:

Định kỳ phun phòng bằng một trong các loại thuốc trừ nấm như Ridomil Gold 68WG liều lượng 80-90G/bình 16L, Anvil 5SC liều lượng 16-20ml/bình16L, phun 1-1,5 bình /sào BB.

- Bệnh thán thư (do nấm (Collettotrichum sp.)

+ Triệu chứng: Trên lá hoặc thân xuất hiện vết thối đen, khô, vết thối lúc đầu nhỏ sau lan rộng ra có khi đến vài cm2, làm hỏng lá hoặc trên thân làm thối đen thân.

+Phòng trừ:

Định kỳ phun phòng bằng một trong các loại thuốc trừ nấm như Score 250EC, Anvil 5EC pha 10 ml/ bình 10 lít nước.

- Rệp sáp (Chrysomphalus ficus)

+ Triệu chứng: Rệp tiết dịch tạo thành lớp sáp phủ màu trắng như bông mặt trên hoặc mắt dưới lá và trú ngụ trong đó, chích hút nhựa trên lá, cuống lá, làm cho lá bị vàng và hỏng lá.

+ Phòng trừ: Kết hợp với các đợt cắt tỉa, cắt bỏ cành và lá có rệp để tiêu hủy. Phun thuốc diệt rệp Supracide 40 ND liều lượng 20-30ml/bình 16 lít.

- Nhện hại (Tetranychus sp.)

+ Triệu chứng: Nhện trích hút lá làm lá khô, khi bị nặng làm cho lá bị cháy vàng lõm xuống héo đi và biến dạng, cuối cùng làm cho lá vàng khô và rụng.

+ Phòng trừ:

Dùng thuốc trừ nhện: Aramite 15% 15g/10 lít nước, Kelthane 2% 15g/10 lít nước, Brightin 10ml/10 lít nước. Phun 1-2 bình/sào BB, phun 2-3 lần, cách nhau 5-7 ngày.

6. Thu hoạch

- Tưới nước để duy trì độ ẩm trước và khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ

- Bao gói và buộc dây cố định cây để tránh va chạm, dập nát cành, hoa trong quá trình vận chuyển.

7. Bảo quản 

Để cây nơi râm mát, thông thoáng

Duy trì độ ẩm cho cây bằng việc tưới nước hàng ngày ở nơi tiêu thụ

   Phạm Thị Khuyên