00:00 Số lượt truy cập: 2668134

Kỹ thuật trồng hoa thược dược chậu (Dahlia Variablis Desh) 

Được đăng : 15/05/2020

thuoc-duoc 

1. Đặc điểm cây hoa thược dược

Hoa thược dược có nguồn gốc từ Mêxico được trồng ở nhiều nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Anh, Australia, Mexico, Tây Ban Nha,… Ở Việt Nam thược dược rất được trồng phổ biến ở một số vùng chuyên canh như Đà Lạt, Hà Nội, Hưng Yên ... Ngoài những thược dược cắt cành thì thược dược trồng chậu cũng được người tiêu dùng rất được ưa chuộng.

- Rễ: Thuộc loại rễ bàng ăn ngang nổi, một số rễ phình to thường gọi là củ, chứa nhiều chất dự trữ, chú ý kỹ thuật để tạo điều kiện cho rễ phát triển.

- Thân: Thuộc thân thảo, mọng nước, yếu, có nhiều đốt, trên các mấu đốt phát sinh cành, lá, chú ý kỹ thuật để giữ cây chống đổ.

- Lá: lá mọc đối, lá kép, bản lá to, hình dạng biến đổi  tùy giống. Cần chú ý đặc điểm lá to này để phát huy khả năng quang hợp của lá, nhằm tăng năng xuất, chất lượng cây.

- Hoa: hoa tự không cuốn dính trên một đế chung, bao phấn chín trước nhụy, nên bao hoa không thể tự thụ phấn được, vận dụng đặc điểm này trong quá trình lai tạo giống mới.

- Quả: thuộc loại quả bế, khô, khi chín vỏ quả màu đen. Mỗi quả trung bình có từ 40 – 60 hạt tùy giống.

2. Thời vụ trồng hoa thược dược

- Vùng đồng bằng sông Hồng: Trồng từ tháng 9 - tháng 2 năm sau).

- Vùng núi cao (Mộc Châu, SaPa, Đà lạt ...): Trồng quanh năm

3. Giá thể trồng hoa thược dược

- Giá thể trồng cây

Tỷ lệ phối trộn: ½ đất phù sa + ¼ xỉ than + ¼ phân chuồng hoai mục

Hoặc:              ½ đất phù sa + ¼ mùn cưa + ¼ phân chuồng hoai mục

Hoặc:              ½ đất phù sa + ¼ xơ dừa + ¼ phân chuồng hoai mục

- Sử dụng dung dịch Ridomil Gold 68WG (nồng độ 3g/lít), Daconil 75WP, liều lượng 1g/lít nước tưới đều vào giá thể (40-50 lít dung dịch/1 m3 giá thể).

4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa thược dược

4.1. Chọn chậu:

Tùy mục đích sử dụng để chọn chậu trồng cho phù hợp về kích thước, chất liệu. Có thể sử dụng chậu nhựa, bầu đen với kích thước 17x21, 20x30...

4.2. Chuẩn bị cây giống:

Thược dược có thể trồng từ cây gieo hạt, cây nuôi cấy mô, cây giâm cành.

- Cây gieo hạt: Sử dụng hạt F1, gieo trong trong vườn ươm, cây con ra rễ trồng trực tiếp hoặc dùng làm cây mẹ.

Tiêu chuẩn cây giống: chiều cao 4-6cm, số lá/cây 6-8 lá thật, chiều dài rễ 2-3cm, số rễ/cây ≥ 5 chiếc.

- Cây giâm cành được lấy mầm từ cây gieo hạt, mầm chồi từ củ

Tiêu chuẩn cây giống giâm cành: chiều cao cây 5- 7cm; Số lá: 4-6 lá; đường kính thân 0,2cm; chiều dài rễ: 1-3cm; số rễ/cây: ≥ 5 chiếc.

4.3. Kỹ thuật trồng, chăm sóc:

- Kỹ thuật trồng

- Cho giá thể đã xử lý nấm bệnh vào chậu cao cách miệng chậu 5cm. Trước khi trồng tưới ẩm 70-80%. Tùy theo kích thước chậu mà trồng từ 1-3 cây trong chậu, chia đều khoảng cách. Nếu chậu có kích thước 17x21cm trồng 1 cây/chậu. Chậu có kích thước 20x30 trồng 3 cây/chậu. Trồng cây vào buổi chiều, sau khi trồng tưới bằng doa tưới, tưới nhẹ nhàng tránh làm bật rễ, sau tưới đảm bảo ẩm độ giá thể đạt khoảng 90%. Xếp chậu lên giàn hoặc trên nền với khoảng cách 20x20cm (9 chậu 1 cây/m2).

- Giai đoạn đầu mới trồng sử dụng lưới có độ che giảm ánh sáng 50% để che cho cây. Sau trồng 10-15 ngày cây đã bén rễ và hồi xanh gỡ bỏ từ từ (chỉ che vào buổi trưa và vào lúc nắng to). Sau trồng 20 ngày gỡ bỏ lưới che hoàn toàn.

- Bấm ngọn tạo tán

Sau trồng 10-15 ngày tiến hành bấm ngọn lần 1, cách gốc 7-8 cm (còn lại từ 3-4 cặp lá). Sau đó 15-20 ngày tiếp theo bấm lần 2. Lần bấm ngọn thứ 2 để lại từ 2-3 cặp lá ở trên mỗi nhánh. Tùy thuộc vào thời điểm thu hoạch mà có thể bấm ngọn lần thứ 3. Thời gian từ lần bấm cuối đến lúc nở hoa khoảng 50-55 ngày.

- Bón phân thúc

            Sử dụng các loại phân bón NPK tổng hợp có bổ sung thành phần vi lượng. Lượng phân bón cho 1000m2 . Hòa tan tưới trên gốc.

     - Giai đoạn sau trồng 10-15 ngày (Giai đoạn cây đã hồi xanh):  Bón thúc lần 1 với lượng bón 10 kg NPK (20-20-15 + TE) + 40 kg supe lân/1000m2 (Pha 0,5kg NPK + 2kg Supe lân với 100l nước tưới cho 450 chậu).

     - Giai đoạn sau trồng  30-60 ngày (Cây bắt đầu phân nhánh mạnh):  Bón thúc làm 4 đợt, mỗi đợt 20 kg NPK (13-13-13 + TE)/1000m2. Pha 1kg NPK với 100l nước tưới cho 450 chậu.

     - Giai đoạn sau trồng 70-80 ngày (Cây bước vào giai đoạn hình thành nụ): Bón thúc làm 2 đợt, mỗi đợt 20 kg NPK (16-8-16 + TE)/1000m2. Pha 1kg NPK với 100l nước tưới cho 450 chậu.

      Kết hợp sử dụng thêm một số loại phân bón qua lá như: Đầu trâu 502 liều lượng 16-20g/bình 16L; Đầu trâu 702 giai đoạn ra hoa liều lượng 16-20g/bình 16L, Atonik 1,8SL liều lượng 20ml/bình 16L giai đoạn đầu. Định kỳ 7-10 ngày phun một lần giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.

5 . Phòng và trị sâu, bệnh hại

- Sâu vẽ bùa: (Phyllocnistis citrella)

- Triệu chứng: Sâu ăn biểu bì lá, phá hoại tế bào và diệp lục tạo thành đ­ường ngoằn ngoèo màu trắng.

- Phòng trừ: Dùng bẫy dính màu vàng dẫn dụ con trư­ởng thành, mật độ bẫy dính từ 0,8-1,5 m luống/bẫy. Sử dụng thuốc có chất bám dính, thấm sâu để phun diệt dòi, trứng trên mặt lá: Trigard 100SL liều lượng 20-30ml/bình16L, Brightin 1.8EC liều lượng15-20ml/bình16L; Reasgant 3.6EC liều lượng10ml/bình16L

- Nhện đỏ (Tetranychus urticae):

 - Triệu chứng: Nhện chích hút lá làm lá trở nên quăn queo, biến dạng, cây sinh trưởng kém, nụ và cánh hoa bị chích hút làm hoa không nở, hoặc nở méo và bạc màu.

- Phòng trừ: Sử dụng Pegasus 500EC liều lượng 15 –20 ml/bình 8 lít, phun 3 bình/sào Bắc Bộ, ngoài ra có thể sử dụng một số loại thuốc khác để luân phiên, tránh để nhện quen thuốc; Ortus 5SC liều lượng 20 ml/bình 16 lít, Afamite 15EC liều lượng 15 –20 ml/ bình 16 lít.

            - Bọ trĩ (Frankliniella occidentalis)

            - Triệu trứng: Bọ trĩ chích hút nhựa ở lá non, chồi non và nụ hoa làm lá vàng, màu hoa nhạt, lá non và cánh hoa biến dạng xoăn lại, cây sinh trưởng kém.

            - Phòng trừ: Sử dụng một trong các loại thuốc Marshal 200SC liều lượng 40-50 ml/bình 16L, hoặc Serpal super 600EC liều lượng 15-20ml/bình 16L, Ascend 20SP liều lượng 10-16ml/bình 16 L, Regent 800WG liều lượng 16g/bình 16L.

- Sâu khoang ăn lá (Spodoptera  litura):

- Triệu chứng: Gây hại trong thời kỳ cây sinh trưởng, lá bị sâu ăn chất lượng hoa giảm, bị nặng bông không trổ thoát được.

- Phòng trừ: sử dụng Sherpa 25EC liều lượng 20-30ml/16L, Selecron 500EC liều lượng 30-40ml/bình 16L, Reasgant 3.6EC liều lượng 10ml/bình 16L

              - Bệnh thối thân (Fusarium graminearum)

              - Triệu chứng: Thân bị thối ngay trên bề mặt đất. Rễ và gốc bị thối, ngọn héo và chết. Khi nhổ lên có các đám bào tử nấm màu hồng, trên các mô bị phân huỷ.

              - Phòng trừ: luân canh, nhổ bỏ cây bệnh, hạn chế bón đạm. Sử dụng Ridomil Gold 68WG liều lượng phun phòng trừ 30-40g/bình 16L.

            - Bệnh phấn trắng(Golovinomyces orontii )

             - Triệu chứng: Ban đầu trên lá xuất hiện những chòm nhỏ mất màu xanh hóa vàng, dần dần được bao phủ bởi một lớp nấm trắng dày đặc như bột phấn, bao trùm cả phiến lá (không bị giới hạn bởi gân lá). Lá bệnh chuyển dần từ màu xanh sang vàng lá khô cháy và dễ rụng. Bệnh nặng lớp phấn trắng xuất hiện trên cả thân, cành, hoa làm hoa khô và chết.

            - Phòng trừ: Sử dụng một trong các loại thuốc trừ bệnh nhưAnvil 5SC liều lượng 20ml/bình 16L, Score 250EC liều lượng 10ml/bình 16L, Topsin M 70WP liều lượng 16-20ml/bình 16L ... để phun trừ bệnh phấn trắng.

6. Thu hoạch

            Khi nụ hoa bắt đầu chuyển màu và hé nở thì có thể đem đi sử dụng. Nếu vận chuyển đi xa dùng nilon chuyên dụng bao xung quanh tán để tránh ảnh hưởng đến chất lượng hoa. Xếp các chậu khít nhau để giảm va đập khi vận chuyển.

Thạc sĩ: Ngô Văn Kỳ