00:00 Số lượt truy cập: 2669718

Kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi ngọt ở các tỉnh phía Bắc 

Được đăng : 02/11/2020

0143dsc7745231422197 

Bưởi ngọt là loại cây dễ trồng, trong những năm gần đây, các tỉnh phía Bắc phát triển trồng nhiều giống bưởi ngọt có năng suất cao, chất lượng thơm ngon; sau từ 7 – 10 năm một số vườn bưởi xảy ra nhiều vấn đề cần giải quyết đó là: Tình trạng sâu bệnh phá hoại vườn bưởi, năng suất và chất lượng bưởi quả giảm do trồng và chăm sóc chưa đúng yêu cầu kỹ thuật. Để vườn bưởi sinh trưởng, phát triển tốt và kéo dài thời gian kinh doanh cần phải thực hiện các yêu cầu kỹ thuật sau:

1.     Chọn giống.

Nên mua giống ở những công ty giống có uy tín để đảm bảo giống có chất lượng cao, có ký hợp đồng cung cấp giống và bảo hành chất lượng giống.

Chọn những cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, sức sống cao.

Chỉ nên trồng 1 loại giống bưởi trong cùng 1 vườn, không trồng nhiều loại giống bưởi khác nhau trên cùng 1 vườn. Nên trồng bưởi xen với ổi để tránh được 1 số loại côn trùng hại bưởi.

2.     Đất trồng.

Bưởi có thể trồng trên nhiều loại đất như: đất thịt nhẹ, đất đồi dốc thoải, đất chân vàn cao bằng phẳng, đất phù sa ven sông không ngập nước và có độ PH từ 6,0 đến 6,5. Đất có khả năng tưới, tiêu chủ động, đất không bị ô nhiễm bởi các chất độc bị cấm trong trồng trọt cây ăn quả. Nhưng tốt nhất nên chọn đất thịt nhẹ tơi xốp, nhiều mùn hữu cơ, có khả năng giữ ẩm, giữ chất dinh dưỡng.

3.     Làm đất.

3.1.          Đối với đất đồi có độ dốc trên 5%.

Dùng máy đánh thành đường đồng mức, khoảng cách các đường đồng mức từ 7 – 8m, mặt đường rộng 1m, tiến hành đào hố, kích thước hố 70cm x 70cm, sâu 60 cm, mỗi hố bón 10 kg phân chuồng đã ủ hoai mục, 1 kg phân vi sinh Sông gianh, 0,5 kg vôi bột, 0,5 kg supelân, 0,5 kg kali sun phát trộn đều với đất bột đổ xuống hố phủ kín đất. Phải tiến hành đào hố, ủ phân trước khi trồng cây từ 2 đến 3 tháng. Khoảng cách giữa các hố 6m.

3.2.          Đối với đất chân vàn cao bằng phẳng không bị ngập nước.

Cày sâu 30 cm, bừa kĩ, làm sạch cỏ, bón vôi bột, bừa trộn đều với đất sau đó phơi ải 15 ngày, tiến hành đào rãnh theo hướng đông tây, rãnh rộng 60 cm, sâu 30 cm để tạo thành các luống trồng cây, mỗi luống rộng 7m; tiến hành đào hố với khoảng cách mỗi hố cách nhau 6m, kích thước hố 60cm x 60 cm, sâu 40cm đào theo hình nanh sấu để cây tận dụng được nhiều ánh sáng, tăng cường quang hợp; tiến hành bón phân, mỗi hố bón 10 kg phân chuồng đã ủ hoai mục, 1 kg phân vi sinh Sông gianh, 0,5 kg vôi bột, 0,5 kg supelân, 0,5 kg kali sun phát trộn đều với đất bột đổ xuống hố phủ kín đất. Phải tiến hành đào hố, ủ phân trước khi trồng cây 2 tháng. Khi hỗn hợp đất  + phân đổ đầy hố và phải cao hơn mặt luống 30 cm.

4.     Trồng cây.

4.1.          Đối với đất đồi dốc trên 5%.

Dùng dao sắc tách bỏ túi nilon làm bầu, dùng dụng cụ đào một lỗ nhỏ giữa hố trồng sâu hơn bầu cây 7cm, rộng hơn đường kính bầu 5cm, đặt nhẹ bầu cây thẳng đứng vào giữa hố trồng dùng đất bột rắc đầy xung quanh khe hở, dùng tay ấn nhẹ để đất được nêm chặt bầu cây, sau đó tưới ẩm.

Yêu cầu: sau khi trồng xong mặt bầu cầy sâu hơn mặt đất 7 cm.

4.2.Trồng trên đất phẳng.

Dùng dao sắc tách bỏ túi nilon làm bầu, dùng dụng cụ đào một lỗ nhỏ giữa hố trồng sâu bằng bầu cây, rộng hơn đường kính bầu 5cm, đặt nhẹ bầu cây thẳng đứng vào giữa hố trồng dùng đất bột rắc đầy xung quanh khe hở, dùng tay ấn nhẹ để đất được nêm chặt bầu cây, sau đó tưới ẩm.

Sau khi trồng xong, làm ụ xung quanh gốc cây, đường kính ụ 1 m để nước tưới không chảy ra ngoài. Trồng xong cắm cọc chắc, buộc thân cây vào cọc tránh gió lay gốc, đổ cây. Dùng mùn rác, cỏ khô phủ kín gốc giúp giữ đổ ẩm cho đất.

 Sau khi trồng xong, trong 10 ngày đầu mỗi ngày tưới 2 lần vào buổi sáng và chiều mát.

5.     Chăm sóc.

Tưới nước: Tưới đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi quả đang phát triển nhanh. Phòng trừ cỏ dại: Phủ gốc bưởi bằng cách trồng cây lạc dại để luôn giữ ẩm, tăng độ tơi xốp cho đất, hạn chế cỏ dại; xới phá váng sau trồng 2 tháng. Làm cỏ sạch vườn cây,  mỗi năm xới gốc 2-3 lần.

Bón phân:

Năm thứ 1: Sau khi trồng 1 tháng bón phân 1 lần, bón cho mỗi gốc 100g NPK(20-10-5), phủ kín đất, kết hợp tưới nước để phân hòa tan phân bón; mỗi tháng bón 1 lần.

Năm thứ 2:  Mỗi tháng bón 1 lần, lượng bón cho một cây là: 200 g phân NPK 10 – 10  - 10.

Năm thứ 3: Cây bắt đầu cho quả, Chia làm 3 lần, bón và đầu tháng 2, tháng 6 và tháng 9, lượng bón 500 g/lần/cây; đầu năm nên bón thêm mỗi cây 15kg phân chuồng hoai mục. Khi quả to cần bón mỗi gốc  300g Kali sulphat để tăng độ ngọt.

Chú ý: Ở năm thứ 3, tỉa bớt hoa và quả non, trên mỗi cây chỉ để vài quả để kiểm tra chất lượng. Từ năm thứ 4 trở đi sẽ để quả trên cây nhiều hơn, nhưng cũng phải căn cứ vào mức độ phát triển của cây; nếu cây to, tán nhiều sẽ để nhiều quả hơn cây nhỏ, tán nhỏ.

Từ năm thứ 5 trở đi, bón lót sau khi thu hoạch và tỉa cành xong, mỗi gốc bón lót 50kg phân chuồng ủ hoai mục, 2kg phân hữu cơ Sông Gianh; trong năm bón thúc 4 lần: bón và đầu tháng 2, tháng 5 và tháng 7, lượng bón 500 g/lần/cây; lần 4 vào tháng 9 bón mỗi gốc  300g Kali sulphat để tăng độ ngọt.

Hàng năm nên ưu tiên bón phân chuồng ủ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh; không nạm dụng bón nhiều phân vô cơ hoặc phân bón lá. Luôn giữ độ PH của đất từ 6,0 đến 6,5 giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế các bệnh hại cây.

Nên mua phân bón ở các đại lý lớn, có uy tín để tránh mua phải phân bón giả, phân kém chất lượng.

6.     Cắt tỉa, tạo hình:

Từ năm 1 đến năm thứ 2 tỉa cành tạo tán khi cây bưởi đạt chiều cao khoảng 0,5m trở lên, khi cây chưa cho quả tỉa cành 2-3 lần/năm. Cắt bỏ các cành gần sát mặt đất, cành tôm, cành sâu bệnh. Giữ lại cành cấp 1 cách gốc khoảng 50cm trở lên, chọn các cành mọc theo các hướng khác nhau để cây cân đối, cành trên cách cành dưới khoảng 50cm, tạo thành tầng không quá 5 - 6 cành cấp 1. Tỉa bỏ bớt cành cấp 2, cấp 3… cho cây thoáng giảm sâu, bệnh, tăng khả năng quang hợp cho cây và tăng năng suất. Cần cắt bỏ quả sâu bệnh, quả nhỏ, nên giữ lại số quả trên thân cây phù hợp với độ tuổi và sức sống của cây để quả to, chất lượng cao, không nên để nhiều quả trên cây làm cho quả nhỏ, chất lượng kém. Thường xuyên thăm vườn, nếu cây có nhiều cành vươn cao cần lấy dây nhựa mềm 1 đầu dây buộc chặt vào đầu cành , một đầu dây buộc vào thân cây hoặc cành to phía dưới kéo vít cành vươn cao xuống, tạo tán thấp, để năm sau cành đó ra hoa, quả không bị giám nắng và khô, thu hoạch dễ hơn.

Khi cây đã cho quả ( từ năm thứ 3 trở đi), tỉa cành mỗi năm 1 lần vào thời điểm thu hoạch quả xong (kết thúc vụ thu hoạch).

Hàng năm quét nước vôi từ gốc sát mặt đất lên thân cây khoảng 1 m để hạn chế các loại nấm gây bệnh và phòng ngừa sâu đục thân.

7.     Phòng trừ sâu bệnh.

7.Sâu vẽ bùa.

 Đây là loại sâu thường xuất hiện nhất vào mùa xuân, lúc này cây bắt đầu ra nhiều lộc non. Sâu vẽ bùa sẽ ăn những lớp biểu bì trên tất cả các bộ phận của cây còn đang non như: Lá non, quả non, cành non.

Dùng thuốc Brightin 4.0EC,  Permecide 50EC,  Actimax 50WG  phun luân phiên các thuốc để tránh sâu kháng thuốc:  phun theo hướng dẫn trên bao bì.

7.2.Sâu đục thân

Lấy thép luồn vào lỗ đã bị sâu đục trên thân cây để bắt và tiêu hủy, kết hợp quét vôi vào gốc, thân cây để sâu không đẻ trứng, phun thuốc Ofatox 400 EC 0,1 vào các lỗ cây đã bị sâu đục sau đó bịt lỗ bịt chặt bằng vôi đặc.

7.3. Bọ xít

Loại bọ xít cũng thường xuất hiện trên  cây, chủ yếu  phần là bọ xít xanh, chúng hút nhựa quả bưởi, thường phá hoại  khi quả bưởi còn non, làm quả bị  rụng.

Phòng trừ: Dùng thuốc Bascide phun kết hợp dùng túi bao quả để bọ xít không phá hoại quả

7.4.Nhện đỏ

Nhện đỏ xuất hiện khá nhiều vào mùa xuân hại cây bưởi.

Phòng trừ: Dùng các thuốc đặc trị: Kumulus 80DF, Ortus 5SC, Comite 75EC, Dầu khoáng SK-Enspray 99EC, Pegasus 500SC, Voliam targo 063SC (có hoạt chất Chlorantraniliprole + Abamectin)….phun vào mỗi đợt cây ra lộc non, phun theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

7.5.Rệp

Rệp được phân chia thành 3 loại hay hại cây là rệp muội xanh, rệp sáp và rệp muội đen.

Dùng thuốc Trebon 10 EC  phun cho cây.

7.6.Các bệnh thường hay hại cây

Đối với bệnh loét trên cây bưởi; dùng thuốc Boocdo 1% phun ướt toàn bộ thân, lá cây.

 Đối với bệnh sẹo hại trên lá và quả, nhiều nhất vào thời kì mưa nhiều cần cắt bỏ lá bị bệnh và phun Kocide53.8 DF cho cây.

 Đối với bệnh chảy gôm làm gốc, thân cây bị nứt và chảy mủ, dùng dao cạo sạch vết mủ, phun Aliette 800 WP có nồng độ 0,3% cho cây.

Bệnh thối rễ, vàng lá.

Do đất ngộ độc do bón phân không đúng, hoặc bị ngập nước lâu ngày, do trồng sâu quá.

Xử lý: Không trồng sâu quá, đào rãnh khơi thông thoát nước cho vườn bưởi.

Khi phát hiện cây bị bệnh cần bới đất xung quanh gốc để chớm hở bộ rễ, phơi từ 2 đến 3 ngày sau đó kết hợp trộn phân chuồng đã ủ hoai mục với chế phẩm trichoderma bón vào gốc cây lấp đất kín và tưới ẩm bằng nước sạch. Không bón phân vô cơ.

Hàng năm cần tăng cường bón lót cho cây bằng phân hữu cơ, kết hợp trộn phân chuồng đã ủ hoai mục với chế phẩm trichoderma để bón cho cây.

 Kỹ sư Lê Văn Khôi