00:00 Số lượt truy cập: 2845292

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Ca cao 

Được đăng : 05/09/2022

caycacao

Ảnh minh họa

 

      I. Đặc điểm chung và yêu cầu ngoại cảnh

Cây Ca cao có nguồn gốc ở lưu vực sông Amazon, Nam Mỹ và hiện tại, cây Ca cao đã được du nhập vào Việt Nam cũng khá lâu (tính đến tháng 5/2010 diện tích cây Ca cao trên cả nước khoảng 12.300ha); cây Ca cao thích hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, thích hợp với nhiệt độ trung bình 25oC, độ ẩm 85%, lượng mưa bình quân trên 1.550mm/năm; Ca cao là cây ưu ánh sáng tán xạ (50 - 60% cường độ ánh sáng tự nhiên) nên thích hợp trồng dưới tán cây ăn quả hoặc cây che bóng.

 Ca cao thích hợp với nhiều loại đất khác nhau: đất đỏ Bazan, đất xám, đất phù sa cổ; song, thích hợp nhất với đất có thành phần cơ giới trung bình đến nhẹ, độ pH từ 5,5 - 5,8, tầng canh tác dày từ 1 - 1,5m, dễ thoát nước, có khả năng giữ nước cao, giàu chất hữu cơ; tuy nhiên, bằng biện pháp canh tác (bón vôi, bón phân hữu cơ…) có thể giúp cây Ca cao đạt năng suất cao trên vùng đất kém màu mỡ.

Nhu cầu dinh dưỡng của cây Ca cao: cây Ca cao là cây hút nhiều dinh dưỡng, trong đó có kali cao nhất; ngoài dinh dưỡng đa lượng, Ca cao có nhu cầu khá cao về trung, vi lượng; nhu cầu dinh dưỡng của cây Ca cao tăng theo tuổi của cây và mức năng suất. Ca cao thu bói có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn cây kiến thiết cơ bản và cây trong vườn ươm, Ca cao kinh doanh có nhu cầu cao hơn so với Ca cao mới thu bói.

II. Kỹ thuật trồng ca cao

1. Mật độ và khoảng cách

Trên nền đất tốt, tương đối bằng phẳng trồng với khoảng cách 3 x 3m (mật độ 1.110 cây/ha) hoặc 3 x 3,5m (mật độ 952 cây/ha); trên đất dốc độ phì kém thì trồng với khoảng cách 3 x 2,5m, tức mật độ 1.330 cây/ha.

2. Thời vụ trồng

Tuỳ từng điều kiện thời tiết khí hậu mà chọn thời vụ trồng cho thích hợp, tốt nhất là trong mùa mưa; ở Tây Nguyên thời vụ trồng tốt nhất bắt đầu từ tháng 6, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ thời vụ trồng tháng 10 trong năm.

3. Xử lý mối trước khi trồng  

  Mối là đối tượng côn trùng phá hoại đặc biệt nghiêm trọng trên cây Ca cao trồng mới và giai đoạn kiến thiết cơ bản; một số loại thuốc hoá học mới có hiệu quả trừ mối tương đối cao như: Admire và Confidor, pha nồng độ 0,1 - 0,2% phun đều dưới hố và thành hố vài ngày trước khi trồng, sau trồng 1 tháng phun lại lần 2, cần phun thuốc xung quanh hố và toàn bộ cây.

4. Trồng cây

Cây Ca cao không chịu được nước đọng; do vậy, không nên trồng cây âm như cây cà phê, mà chỉ trồng ngang bằng mặt đất; khi trồng móc hố sâu khoảng 30cm, dùng dao rạch túi bầu PE, đặt bầu cây Ca cao giữa hố và mặt bầu ngang với với mặt đất, lấp đất xung quanh và dùng tay ấn nhẹ, tránh làm vỡ bầu.

5. Trồng cây che bóng, che gió

Cây Ca cao con chỉ cần 25 - 50% ánh sáng; do vậy, cây cần được che bóng trong năm trồng mới và trong thời kỳ kiến thiết cơ bản để đảm bảo tỷ lệ cây sống và cây con sinh trưởng phát triển tốt; đối với vùng Tây Nguyên thường có gió mạnh và nắng gắt trong mùa khô nên việc che bóng, chắn gió là kỹ thuật bắt buộc.

Khi cây đã trưởng thành loại bỏ dần bóng mát và có thể đi đến loại bỏ hoàn toàn tuỳ thuộc vào điều kiện thâm canh; để tăng thu nhập, có thể chọn trồng các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây lấy dầu hay cây dược liệu (chôm chôm, sầu riêng, bơ, quế, hoa hoè…) để trồng xen trong vườn Ca cao làm cây che bóng lâu dài.

Những triệu chứng nhận biết thiếu hụt dinh dưỡng ở cây Ca cao

Thiếu đạm: lá có màu xanh vàng hay xanh nõn chuối; nếu thiếu nặng lá sẽ rụng nhiều, năng suất giảm; hiện tượng thiếu đạm thường xảy ra trên đất nghèo dinh dưỡng và bón không đủ lượng đạm cây cần.

Thiếu lân: Lá chuyển màu xỉn, mép lá non ửng đỏ, thiếu nặng lá rụng và cành chết.

Thiếu kali: Mép lá chuyển màu vàng cam sau tới màu xám nâu và khô, lá rụng nhiều.

Thiếu Magie: Phần thịt lá bị vàng và lan dần từ gân chính ra mép lá.

 Thiếu can xi: Lá héo vàng từ rìa lá sau lan vào gân chính.

Thiếu kẽm: Các lá và chồi đầu cành không phát triển tốt (rụt đọt), lá không thể nở lớn; hiện tượng thiếu kẽm cũng khá phổ biến trên các vùng Ca cao nổi tiếng của thế giới.

Phạm Nghiêu