00:00 Số lượt truy cập: 2678835

Kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lê F1 (Vụ Hè Thu khu vực phía Bắc) 

Được đăng : 20/08/2021
Dưa lê F1 là loại có thể trồng quanh năm, thời gian sinh trưởng ngắn (50 – 60 ngày), nên có thể trồng xen vào vụ thu đông khi thu hoạch lúa mùa sớm. Cây có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện 16 -280C.Nếu trồng quả vụ có giá bán cao, mang lại lợi nhuận tốt cho người trồng.

 

dua-le-f1

Dưa lê F1

 

 

1.     Thời vụ.

Trồng từ 05 tháng 9 đến 05 tháng 10 hàng năm. Gieo hạt trong bầu đất từ 15 đến 20 tháng 8.

2.     Giống.

Hiện nay có nhiều loại giống dưa lê F1 bán trên thị trường, tuy nhiên cần chọn những cơ sở bán hạt giống dưa lê F1 có uy tín và bảo hành tốt.

Ngâm ủ, ươm cây: Phơi hạt giống trong nắng nhẹ khoảng 2 giờ, đem ngâm hạt trong nước sạch 3 giờ, vớt hạt cho vào khăn ẩm ủ từ 24 – 30 giờ hạt nứt nanh đem ươm vào trong bầu đất.

Chuẩn bị bầu đất và vườn ươm giống cây.

Dùng ½ đất bột khô sạch bệnh trộn với ½ phân hữu cơ đã ủ hoai mục, phun thuốc diệt kiến, mối, nấm, sau đó đóng đầy vào túi nilon đục lỗ có kích thước rộng 10 cm x dài 15 cm.

Vườn ươm làm trên khu đất cao, bằng phẳng, cách xa đường giao thông lớn, khu dân cư, có nguồn nước sạch để tưới, làm màng phủ nilon và lưới chắn côn trùng vì lúc này thời tiết còn mưa to, gió lớn.

Khi hạt giống nứt nanh đem ươm vào bầu đất, lấy ngón tay chọc thẳng vào chính giữa bầu đất, sâu 1 cm, mỗi bầu ươm 1 hạt, lấp kín đất bột, xếp thẳng hàng vào vườn ươm, tưới đủ ẩm ngay. Mỗi ngày tưới 2 lần sáng sớm và chiều mát; sau khi cây mọc mỗi ngày tưới 1 lần.

Khi ươm cây trong bầu có lợi thế giảm công chăm sóc, tỷ lệ cây sống khỏe cao, itas bị sâu, bệnh phá hoại, có thể kéo dài thời gian cây giống khi chưa làm đất trồng cây kịp thời.

Nếu trồng giàn lượng giống từ 1,1 - 1,2kg/ha, trồng bò trên mặt đất lượng giống từ 450 - 500 gram/ha.

 

3.     Đất trồng.

 

Chọn đất trồng dưa lê F1 là vùng đất thịt nhẹ, đất phù sa, đất cát pha và thịt nhẹ, không bị ô nhiễm kim loại nặng, đất xa khu đô thị, khu công nghiệp, chủ động tưới sạch, tiêu thoát nước tốt.

Làm đất:

Đất cày sâu, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, bón vôi bột 40kg/sào bắc bộ, làm luống rộng 1,7 – 1,8m  cao 30cm thoải dần về hai bên mép, rãnh rộng 35cm, trên luống rạch thành 2 hàng cách mép luống 20 cm.  Bón lót toàn bộ 400 kg phân phân chuồng hoai mục, 3kg u rê + 3 kg kali + 2 kg supe lân vào rạch.

4.     Trồng cây.

       Sau khi làm đất bón lót phân xong tiến hành trồng cây, dùng dao sắc tách bỏ nilon bầu đất, cuốc hố sâu 15 cm, rộng 12 cm, đặt bầu cây giống bằng mặt luống, dùng đất bột chèn chặt xung quanh bầu, tưới ẩm ngay.

          Chọn lúc thời tiết mát mẻ (sáng sớm và chiều mát) để trồng.

Mật độ và khoảng cách: Cây cách cây 50 cm, hàng cách hàng 1,4m. Trồng hàng đôi, mật độ cây 25.000 cây/ha. Trồng xong làm giàn chữ A để cho dưa leo lên giàn.

5. Chăm sóc.

Sau trồng 7 ngày dùng0,5 kg u rê + 1kg supe lân hòa tan pha loãng tưới nhử cho cây mọc nhanh.

 Bón thúc lần 1:  sau trồng  15 - 20 ngày xới phá váng, diệt cỏ dại, bón 2kg đạm + 2 kg kali kết hợp vun nhẹ.

Bón thúc lần 2: Khi cây có hoa cái nở, bón 2kg đạm + 2 kg kali.

Bón thúc lần 3: Sau trồng 40- 45 ngày, bón hết lượng phân còn lại.

Khi trồng dưa lê F1 có từ 5 đến 6 lá thật bấm ngọn giúp cây sớm đẻ nhiều nhánh ở nách lá và cho nhiều quả. Khi các nhánh cấp 2 phát triển được 5 đến 6 lá lại tiếp tục bấm ngọn như nhánh cấp 1, kết hợp thụ phấn cho hoa cái. Tiếp tục như vậy đến khi ruộng dưa già cỗi thì kết thúc. Nên chọn những quả dưa cân đối, khỏe mạnh để nuôi lớn, những quả dị tật, sâu bệnh ngắt bỏ để tập trung dinh dưỡng cho quả to, nâng cao năng suất chất lượng; không nên để nhiều quả trên một cây, nên để số lượng vừa phải; đồng thời bón phân cân đối để cây sinh trưởng và nuôi quả tốt. Mỗi cây để 7-10 quả, không nên để quả quá nhiều.

- Việc tỉa nhánh, bấm ngọn, tỉa quả thực hiện vào buổi sáng.

- Từ trồng cây đến chuẩn bị ra hoa tưới nước vừa đủ, bón phân cân đối, hợp lý để cây phát triển tốt. Khi cây chuẩn bị ra hoa giảm lượng nước tưới để cây dễ đậu quả. Cây nở hoa, đậu quả cần cung cấp nước đủ ẩm thường xuyên để quả to, chuẩn bị thu hoạch 10 ngày, giảm nước tưới để dưa ngọt hơn.

6. Phòng trừ sâu bệnh.

- Sâu hại: Bọ trĩ: Bendiocard 50%Wp( Garvox, Multamet).

- Bệnh hại: Bệnh chảy nhựa thân: Phun hoặc tưới vào gốc Ridomil, Aliette 80Wp.

- Bệnh thối gốc lở cổ dễ: nên luân canh các loại cây trồng, xử lý đất trước khi trồng bằng phơi ải, bón vôi bột, phun phòng định kỳ bằng Ridomil.

- Bệnh sương mai: phun từ 5-7 ngày /lần bằng các loại thuốc Ridomil MZ nồng độ 400, Metiran 80% nồng độ 500, nên phun luân phiên các loại thuốc để tăng hiệu quả.

- Bệnh phấn trắng: Có thể phun Benlate 0,01%, Anvil.

- Bệnh than thư: Dùng Antrcol 70wp phun 7-10 ngày/lần.

Chú ý: Phun đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đảm bảo cách ly an toàn trước khi thu hoạch quả.

7. Thu hoạch

Từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 60 ngày, từ lúc hoa cái tàn đến khi quả chín khoảng 30 – 35 ngày. Thời gian cho thu hoạch rộ khoảng từ 25 – 30 ngày.  

Thu hoạch dùng dao sắc cắt đứt cuống xa thân cây 3 cm, xếp dưa vào thúng, rổ cứng có lớp lót nhẹ để tránh bị xây xát vỏ quả; vận chuyển ngay đến kho bảo quản, thoáng mát, tránh côn trùng, chuột, mối phá hoại.

 

Lưu ý: Nhiệt độ thích hợp của dưa lê từ 25 – 330C, khi trồng vụ thu đông nên cần gieo hạt trong bầu đất sớm để khi có đất trồng được ngay, cây ra hoa, đậu quả, quả chín khi nhiệt độ còn cao, tránh mùa đông giá rét sẽ cho năng suất, chất lượng tốt, giá bán cao.

Thời kỳ cây con dễ bị mắc bệnh thối nhũn, lở cổ rễ. Khi nhiệt độ cao, đặc biệt gieo hạt khi thời tiết còn nóng và có mưa to nên gieo hạt vào bầu đặt trong vườn ươm có mái che để cây hạn chế bị bệnh, cây chết.

Lê Văn Khôi