00:00 Số lượt truy cập: 2672491

Một số bệnh hại chính trên cây cà phê và cách phòng trừ 

Được đăng : 27/03/2023

chamsoccafebivangla

Bệnh vàng lá trên cây cà phê

Bệnh gây hại trên lá cà phê, làm rụng lá, giảm sản lượng; bệnh nặng có thể làm rụng hết lá dẫn đến hiện tượng khô cành, cây chết. Chính bệnh gỉ sắt với cây cà phê chè đã là một nhân tố hạn chế việc phát triển cà phê chè ở nhiều nước trên thế giới và ở nước ta khi chưa tìm được giống có khả năng chống bệnh này; nấm ký sinh tạo thành các vết bệnh hình tròn với lớp bột phân màu vàng nhạt sau đó là màu da cam ở dưới mặt lá. Ở các nông trường Phủ Quỳ(Nghệ An) trước đây, người ta vẫn thường phun thuốc phòng là dung dịch Boóc đô vào 2 thời kỳ là mùa Xuân và mùa Thu mà chúng ta vẫn nói vui là “Xuân, Thu nhị kỳ”.

Ở Tây Nguyên, bệnh phát sinh từ đầu mùa mưa (tháng 4, 5), phát triển trong suốt mùa mưa, nhưng phát triển mạnh mẽ vào tháng 7, 8 và đạt đỉnh cao vào tháng 9, 10 sau đó giảm dần.

=> Cách phòng trừ:

Biện pháp hữu hiệu nhất là trồng giống chống bệnh; với cà phê chè người ta trồng giống Catimor có thể coi là an toàn.

Có thể dùng một số loại thuốc hóa học sau: Anvil 5SC (0,2%), Tilt 250EC (0,1 %), Validacin 3DD (0.3%), phun 2 - 3 lần cách nhau 01 tháng ngay từ khi bệnh mới xuất hiện.

2. Bệnh khô cành, khô quả

Đây là một loại bệnh khá phổ biến ở các vùng cà phê, ở nhiều nơi tác hại của bệnh không kém bệnh gỉ sắt; bệnh xuất hiện trên cả 3 bộ phận: Quả, cành và lá nhưng gây hại nặng trên quả; bệnh làm khô quả, khô cành và chết cây, nó xuất hiện trên cả cà phê chè và cà phê vối.

Nguyên nhân gây ra bệnh khô cành, khô quả có thể do nấm hoặc do sinh lý: Cà phê cho quả sớm, nhiều, dẫn đến kiệt sức khô cành; ở Đắk Lắk thường thấy ở các vườn cà phê năng suất cao (trên 04 tấn nhân/ha) mà lượng phân bón lại thấp.

=> Biện pháp phòng trừ:

- Trồng giống sạch bênh, chống bệnh.

- Bón phân cân đối.

- Phun 1 trong các loại thuốc sau: Derosal 50SC (0,2%), Tilt 250EC (0,1%), Viben C50BTN (0,2%), Bendazol 50WP (0,2%), Carbenzym 500FL (0,2%)... Phun thuốc khi bệnh mới xuất hiện; phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 01 tháng.

3. Bệnh tuyến trùng hại rễ hay còn gọi là bệnh vàng lá, thối rễ

Loại bệnh này khá nguy hiểm, có thể gây cho cà phê chết hàng loạt; các loại tuyến trùng chích hút rễ gây vết thương hay các nốt sưng trên rễ tạo điều kiện cho các loại nấm xâm nhập gây hiện tượng thối rễ, vàng lá.

Vào một mùa mưa ở Tây Nguyên đã có hàng trăm hecta cà phê vối bị bệnh này, lá cây bị vàng và rụng, rễ bị tuyến trùng và nấm phá hại nên có thể dùng tay nhổ lên dễ dàng. Cà phê trồng lại trên các vườn cà phê già cỗi thường bị tuyến trùng và nấm phá hại; cây có triệu chứng vàng lá vào lúc giao mùa, mới dứt mưa, bắt đầu mùa khô. Ở các vườn cà phê đã bị bệnh, việc xáo xới, vét bồn tưới cà phê có thể làm đứt rễ, tạo điều kiện cho bệnh phát triển vì tạo vết thương cho rễ. Biện pháp tưới tràn cho vườn cà phê cũng tạo điều kiện cho tuyến trùng di chuyển, lan rộng.

=> Biện pháp phòng trừ: Với bệnh tuyến trùng biện pháp hoá học không phải là chủ yếu vì tốn kém và hiệu quả không cao.

Cần tuân thủ các quy định sau:

- Các vườn cà phê già cỗi, vườn bị bệnh, sau khi phá đi không được trồng lại cà phê ngay mà phải tiến hành rà rễ nhiều lần, nhặt sạch các rễ cà phê cũ còn sót rồi trồng luân canh cây phân xanh, cây họ đậu... 2 - 3 năm trước khi trồng cà phê.

- Thường xuyên kiểm tra phát hiện kịp thời cây bị bệnh, đào cây đem đốt, tưới thuốc BenlateC hay Bendazol 0,5%, tưới 5 lít dung dịch 1 hố, 2 lần cách nhau 15 ngày cho các cây xung quanh vùng bệnh.

- Bón phân đầy đủ, cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ.

- Hạn chế xới xáo vườn cà phê đã bị bệnh, tránh làm tổn thương bộ rễ.

Ngọc Ngân