00:00 Số lượt truy cập: 2682467

Một số sâu bệnh hại ổi, cách phòng trị 

Được đăng : 08/11/2023

nhungbenhvecayoi

Ảnh minh họa

       1. Rầy mềm

         Rầy đeo bám ở đọt non và mặt dưới lá, chích hút nhựa làm quăn đọt, chồi sinh trưởng phát triển kém, tạo điều kiện để nấm bồ hóng phát triển.

        Cách phòng trị: Phun Bassa 50 ND, Trebon 10 EC, Applaud 10 WP, Sevin 85 WP nồng độ 0,1 - 0,2%.

         2. Rệp dính, rệp sáp, rệp phấn trắng

         Rệp đeo trên thân, dọc theo gân chính ở mặt dưới lá chích hút làm khô lá, giảm kích thước quả.

        Cách phòng trị: Bi 58 40 EC, Suppracide 40 ND, Confidor 100 SL, Admire 50 EC nồng độ 0,1 - 0,2%; nên kết hợp với chất dính ST 0,1% để phun.

        3. Ruồi đục quả

       Thành trùng đẻ trứng bên trong quả, trứng nở thành ròi ăn phá thịt quả và làm thối quả, thành trùng dễ bị quyến rũ bởi chất chua ngọt nên có thể bẫy bắt bằng bả mồi.

        Thường gây hại cho các vườn ổi vào mùa mưa, ruồi trưởng thành nhỏ hơn ruồi nhà, nhìn bề ngoài có vẻ giống một con ong hơn là một con ruồi nhà. Con cái dùng râu để chọn những quả sắp chín rồi dùng ống đẻ trứng chích vào vỏ quả đẻ trứng thành từng ổ có từ 5 - 10 trứng; vết chích rất nhỏ nên khó nhìn thấy, ruồi chỉ hại từ lúc quả sắp chín trở đi.

        Cách phòng trị: Biện pháp có hiệu quả cao là đặt bẫy; dùng chất Methyl Eugenol (trích từ é tía, hương nhu đã được methyl hoá) được bán dưới dạng thuốc Vizupon để bẫy ruồi; hiệu quả cao nếu bẫy màu vàng. Tuy nhiên, hơn 95% ruồi vào bẫy chết là ruồi đực, trong lúc ruồi cái vẫn đẻ trứng ở các cây kế cận.

        4. Sâu đục quả

        Sâu non ăn lá và ăn vào quả nơi đài hoa, đục phá làm rụng quả.

       Con trưởng thành là một loài bướm nhỏ màu nâu, con cái đẻ trứng dải rác ở gần cuống của những quả còn non, sau khi nở sâu non đục vỏ quả chui vào bên trong để cắn phá phần thịt quả; đặc biệt, chúng thích ăn phần hạt và những phần xung quanh hạt; chỗ vết đục hơi nổi u, nếu gặp mưa hoặc nước sương xung quanh, lỗ đục sẽ bị thối dần và chuyển thành màu nâu; bổ những quả bị sâu ra sẽ thấy sâu non nằm bên trong, sâu non có màu hồng hoặc tím, đầu nhỏ màu nâu đen, sâu gây hại từ khi quả còn non đến khi thu hoạch, sâu làm nhộng ngoài các lá bị khô xung quanh.

        Cách phòng trị: Chà bỏ đài hoa sớm hạn chế chỗ ẩn nấp của sâu; phun thuốc sớm và định kỳ 7 - 10 ngày/lần

        +  Đối với sâu đục quả: Nếu vườn thường xuyên bị sâu gây hại nặng thì có thể sử dụng một trong các thuốc hoá học như: Regent 800 WG, Fastac, Sherpa phun xịt vào các đợt cây cho quả non; chú ý theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và phải đảm bảo thời gian cách ly của thuốc.

        + Đối với ruồi đục quả: Có thể rải Basudin 10H hoặc Furadan 3H xuống xung quanh gốc cây để diệt nhộng đang nằm trong đất.

         Dùng thuốc nhử ruồi như: Vizubon D để dẫn dụ và diệt ruồi đực sẽ có tác dụng hạn chế tác hại của giòi rất lớn; ngoài ra, ruồi còn gây hại cho nhiều loại trái cây khác như: cam, quýt, đu đủ, mận, đào….; vì vậy, cần vận động những chủ vườn cây ăn quả xung quanh cùng tiến hành đặt bẫy để nhử và diệt ruồi trên diện tích rộng thì hiệu quả diệt ruồi mới cao.

        5. Bọ xít hại quả

         Dễ nhận biết, có màu vàng hơi nâu, thành trùng và ấu trùng chích hút chồi và quả non làm chết cành và rụng quả.

        Cách phòng trị: Phun các loài thuốc giống như sâu đục quả.

        6. Sâu đục cành

        Sâu non có màu hồng, đục vào bên trong cành nhất là những cành mọc thẳng đứng, đùn phân và mạt gỗ ra ngoài, thường gặp một sâu phá hại một cành; sâu làm nhộng bên trong cành, cành bị chết khô và gãy.

       Cách phòng trị: Tiêm các loại thuốc trừ sâu hay nhét thuốc hạt trộn với cát vào lỗ đục.

        7. Bệnh thán thư

        Triệu chứng trên quả thường rễ gặp, nhất là vào mùa mưa; bệnh làm thành những chấm nhỏ, màu hồng trên quả chưa chín, mầm bệnh tồn tại ở trạng thái ngủ suốt trong thời gian quả phát triển và bắt đầu lan rộng thành những đốm tròn, màu nâu đen khi quả chín.

        Triệu chứng chết đọt cũng thường xảy ra, chồi và lá non có thể bị nấm tấn công, chồi ngọn trở lên hơi tím, sau đó thành nâu đen, khô giòn và dễ gãy.

        Cách phòng trị: Phun Dithane M-45 (Mancozeb 80 WP, Pencozeb 80 WP, Manzate 80 WP), Bayfidan 25 EC, Antracol 70 WP, Ridomil 72 WP nồng độ 0,1 - 0,2%.

        8. Bệnh đốm lá

        Do nấm Cercospora psidii gây ra; nấm gây những đốm bệnh tròn, tâm màu nâu nhạt, xung quanh màu nâu đậm; bệnh làm giảm diện tích lá và làm rụng lá.

        Cách phòng trị: Phun Copper-B 65 BHN, Mancozeb 80 WP, Score 250 EC nồng độ 0,1 - 02%.

         9. Bệnh nấm ghẻ

         Trên quả ổi xanh xuất hiện các đốm đen nhỏ như đầu kim, sau đó phát triển thành các đốm tròn nâu sậm hay đen lõm vào thịt quả; nhiều vết bệnh có thể liên kết với nhau thành hình bất định. Trong điều kiện khô hạn, vết bệnh khô lại có nhiều vòng tròn đồng tâm, vùng bệnh trở lên cứng, xù xì; ở những quả non cũng có các triệu chứng ghẻ, quả bị bệnh nặng có thể méo mó, biến dạng và rụng sớm. Với điều kiện ẩm độ cao, các vết bệnh có thể làm nhũn cả quả, trên mặt vết bệnh có lớp phấn màu hồng. Bệnh cũng làm héo chết các mầm lá, hoa, quả non; các ngọn cành biến màu nâu sậm, khô dần và chết cả ngọn, lá rụng hết trơ lại cành khô.

       Cách phòng trị:

       - Cần thu gom nguồn bệnh trước khi trồng.

       - Không nên trồng quá dày làm cho vườn cây thiếu sánh sáng, là nguồn lây lan sâu, bệnh.

        - Dùng vôi bột, Falizan để xử lý đất; khi có triệu chứng bệnh xuất hiện hoặc đã gây hại nặng thì nên dùng các loại thuốc trừ nấm mạnh, có tính nội hấp hai chiều; phun kỹ trong và ngoài tán, phun ướt đẫm toàn bộ mặt tán.

       - Dùng biện pháp bao trái, vừa hạn chế được sự gây hại của sâu bệnh, đồng thời giúp cho quả mau lớn và giữ được màu sắc, mã quả đẹp nên sẽ bán được giá cao hơn: nên phun một số loại thuốc trừ nấm trước khi bao trái để trái không bị nhiễm bệnh sau khi bao.

                                                                              Hải Thành