00:00 Số lượt truy cập: 2845326

Quy trình kinh nghiệm nuôi thương ngao giá/ ngao hai cùi 

Được đăng : 02/11/2022

ngao2coisonggiauhamluongprotein
 

1. Chọn vị trí nuôi

- Bãi nuôi ngao giá thuộc quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương.

- Bãi nuôi có diện tích tối thiểu 5.000 m2, ở dưới triều, chất đáy là cát bùn hay bùn cát (tỉ lệ bùn: cát là 60 : 40 %), độ sâu mực nước tối thiểu 2m (khi thủy triều thấp nhất).

- Có bãi chứa vật liệu: Ví trí trung triều hoặc hạ triều, có mặt bằng tương đối bằng phẳng, diện tích tối thiểu 200 m2, gần bãi nuôi ngao giá.

- Có dòng nước lưu thông, tốc độ dòng chảy tối thiểu từ 0,1 - 0,3m/giây.

- Chế độ thủy triều là nhật triều hay bán nhật triều từ 1 - 4,2 m.

- Không nuôi tại các vùng bãi ngang có sóng ngầm mạnh và xoáy nước làm nổi và mất lồng trên bãi nuôi.

- Không có nguồn nước ngọt trực tiếp đổ vào bãi nuôi, lượng phù sa lắng đọng không quá 2 cm/năm. Bãi không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các chất thải từ khu công nghiệp, nước sinh hoạt, bến cảng, vận tải thuỷ...
- Điều kiện môi trường nước khu vực nuôi như sau:

Bảng yêu cầu chất lượng nước nuôi ngao giá

STT

Thông số

Đơn vị

Giá trị giới hạn

1

Nhiệt độ

oC

18 - 32

2

Độ mặn

20 - 31

3

pH

 

7,5 - 8,5

4

DO

mg/l

≥ 4

5

Độ đục

cm

80 - 150

6

TSS

mg/l

20 - 50

7

Tảo tổng số

Tế bào/ml

200 - 400

8

BOD5

mg/l

2 - 3

 

2. Mùa vụ thả giống

- Mùa vụ thả giống ở miền Bắc: vụ chính từ tháng 9 - 11, vụ phụ từ tháng 3 - 5.

- Mùa vụ thả giống ở miền Trung và Nam: quanh năm, tránh thả khi bão gió, nắng nóng.

3. Chuẩn bị lồng nuôi

* Bước 1: Chuẩn bị lồng, lưới

- Đối với lồng nuôi mới:

+ Lồng hình bầu dục có kích thước 60 x 45 x 27 cm (0,27m2) hoặc lồng hình tròn có kích thước 50 x 27 cm (0,20 m2).

+ Lồng được lót lớp lưới phía trong lồng (dưới đáy và xung quanh lồng), kích cỡ mắt lưới 20 mắt/cm2.

+ Trên mặt lồng có nắp lưới, kích cỡ mắt lưới 2a = 2 - 3 cm.

Dùng dây cước/đay đan xung quanh nắp lưới mặt lồng, kích cỡ dây 2 - 3 mm.

- Đối với lồng nuôi cũ:

+ Lồng hình bầu dục có kích thước 60 x 45 x 27 cm (0,27m2) hoặc lồng hình tròn có kích thước 50 x 27 cm (0,20 m2).

+ Dùng thanh gỗ/tre làm sạch lồng bằng cách đập lên thành, lưới lồng nhằm loại bỏ hàu, hà, sun,... bám vào thành lồng, lưới.

+ Kiểm tra lồng, lưới lót lồng và lưới mặt lồng đảm bảo không rách, thủng.

* Bước 2: Chuẩn bị cát

- Cát sử dụng làm chất đáy: cát pha mảnh vỏ vụn nhuyễn thể theo tỉ lệ mảnh vỏ nhuyễn thể/cát tối thiểu 10%, kích cỡ hạt cát 2 - 5 mm.

* Bước 3: Chuẩn bị lồng nuôi

- Cho cát vào lồng đã được lót lưới đáy, đảm bảo độ sâu cát cách mặt lồng 5 - 6 cm.

- Nắp lưới mặt lồng và thiết dây rút xung quanh.

* Bước 4: Chuyển lồng đến khu nuôi

- Lồng được chuyển sang phương tiện vận chuyển là pông tông, xếp theo hàng nối và kéo chuyển ra khu vực nuôi.

4. Chọn và thả giống

* Bước 1: Chọn giống

Giống cấp II: kích cỡ ≥ 12 mm, thông thường từ 12 - 22 mm. Giống được sàng thành các kích cỡ đồng đều nhau 12 - 14, 14 - 16, 16 - 18 mm,.... Giống có màu sắc tươi sáng đặc trưng cho loài. Con giống khỏe mạnh (thả con giống vào nước biển sau 2-3 phút thấy có hoạt động mở miệng và thò vòi hút ra ngoài, phản ứng vòi nhanh nhẹn với tiếng động khi gõ vào thành dụng cụ chứa). Giống được kiểm dịch theo quy định hiện hành.

* Bước 2: Thuần hóa giống

- Giống cấp II vận chuyển ướt:

+ Thả túi giống xuống nước biển trong 10 - 15 phút để thuần hóa nhiệt độ.

+ Mở túi giống kiểm tra độ mặn, nếu độ mặn thấp hơn môi trường nước nuôi từ 5 -7‰ thì đổ túi giống ra thau/chậu lớn và thêm từ từ nước nuôi vào chậu trong 30 - 60 phút.

- Giống cấp II vận chuyển khô:

+ Mở nắp thùng vận chuyển, loại bỏ các túi đá, để thùng vận chuyển trong khu vực mát từ 20 - 30 phút.

+ Chuyển các túi giống đổ sang lồng nuôi (chưa cho cát) để chứa giống từ 5 - 7 kg giống/lồng.

+ Treo lồng chứa giống trong nước biển khu nuôi từ 20 - 30 phút để giống làm quen với điều kiện môi trường trước khi lấy giống thả.

* Bước 3: Xác định mật độ thả giống

Nuôi lồng bầu dục: Kích thước 60 x 45 x 27 cm, thả với mật độ từ 75 - 80 con/lồng nuôi. Nuôi lồng tròn, đường kính x chiều cao là 50 x 27 cm, thả với mật độ từ 55 – 60 con/lồng. Con giống thả là giống cấp II.

* Bước 4: Thả giống

- Thả giống tốt nhất vào lúc mát và triều thấp.

- Lấy giống cấp II chuyển vào ca 2 lít hay chậu nhỏ (5 lít).

- Dùng chén/thìa nhỏ múc và rải giống đều trên khắp mặt lồng nuôi.

* Bước 5: Đặt lồng xuống bãi nuôi

Đặt lồng trên mặt đáy bãi nuôi (chú ý đưa lồng nuôi xuống từ từ để đảm bảo giống không bị văng ra ngoài) theo từng luống, các lồng nuôi được đặt sát nhau, đảm bảo các luống nuôi dọc theo chiều dòng nước chảy. Độ rộng luống 3 - 4 m, khoảng cách giữa các luống là 2 - 2,5 m.

5. Chăm sóc, quản lý và phòng bệnh

a. Chăm sóc ngao giá

- Định kỳ 1 tháng/lần vào lúc triều cạn tiến hành kiểm tra sinh trưởng và tỉ lệ sống của ngao nuôi. Cách kiểm tra như sau:

+ Dùng cây sào dài 4-5m có gắn móc sắt kéo lồng lên thuyền/ pông tông để kiểm tra.

+ Mở nắp lưới mặt lồng bằng cách tháo dây rút mặt.

+ Quan sát độ bồi lắng của lớp bùn mặt lồng nếu lớp bùn dày hơn 2 cm, tiến hành thu hoạch sớm nếu ngao giá đạt kích cỡ ≥ 40 con/kg. Ngao nhỏ hơn kích cỡ trên tiến hành loại bỏ lớp bùn và chuyển lồng nuôi ngao ra vị trí nuôi mới.

+ Kiểm tra sức khỏe ngao: Quan sát mặt cát lồng nuôi bình thường có xuất hiện các lỗ nhỏ là nơi ngao thò vòi lên lọc nước và hút thức ăn. Mặt cát lồng nuôi ngao bất thường khi có hiện tượng ngao chết, xuất hiện vỏ ngao trên mặt lồng. Đếm số lượng vỏ ngao để biết tỉ lệ hao hụt.

+ Đo tăng trưởng ngao: Dùng ca 1 - 2 lít múc nước biển dội vào lồng ngao. Nhặt ngao hở ra và chuyển vào thau/chậu chứa 5 – 10 lít nước biển. Đo chiều dài bằng thước kẻ học sinh và khối lượng bằng cân có độ chính xác 0,01 g. Số lượng đo 30 con/lồng.

+ Ước lượng tỉ lệ sống: Kiểm tra và đếm số lượng ngao trong 2 – 3 lồng để ước lượng tỉ lệ sống (%).

- Lưu ý kiểm tra lồng nuôi để kiểm tra sức khỏe ngao và tỉ lệ sống ngay sau khi có hiện tượng thời tiết bất thường như mưa lớn, bão gió,.... Có thể gặp hiện tượng mất lồng do nước cuốn, cần phát hiện sớm và dịch chuyển lồng vào khu vực nuôi an toàn hơn. Dịch chuyển bằng cách chuyển lồng lên pông tông và di chuyển pông tông đến nơi thả mới. Cách thả giống như bước 5, mục 4.

b. Quản lý môi trường

- Định kỳ 1 lần/tháng kiểm tra độ mặn, hay kiểm tra đột xuất ngay sau mưa bão. Chuyển lồng ra khu vực nuôi mới trong trường hợp độ mặn xuống thấp hơn 20‰ và có thể kéo dài trong 2 - 3 tuần.

- Định kỳ thu gom, vớt rác, rong tảo ở bãi nuôi để đảm bảo nước lưu thông.

c. Biện pháp phòng bệnh tổng hợp

- Phơi khô lồng cũ và vệ sinh sạch sẽ trước mỗi vụ nuôi.

- Khi dịch bệnh xảy ra, có thể tiến hành thu hoạch sớm nếu ngao giá đạt kích thước ≥ 40 con/kg hay chuyển ra khu vực nuôi mới nếu kích thước ngao giá < 40 con/kg.

- Khi dịch bệnh xảy ra, dụng cụ sau khi kiểm tra ngao được vệ sinh và khử trùng sạch sẽ. Không sử dụng chung dụng cụ cho các công việc khác nhau.

- Thả con giống đảm bảo chất lượng, được kiểm dịch đầy đủ theo quy định.

- Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ trong quá trình sản xuất.

- Giám sát và kiểm tra khu vực nuôi, phát hiện dịch bệnh thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng khi dịch bệnh xảy ra.

- Thu gom ngao chết để đúng nơi quy định.

6. Thu hoạch và vận chuyển

a. Thu hoạch

Thời gian nuôi 12 tháng (tính từ khi thả giống cấp II đến khi ngao giá đạt kích cỡ thương phẩm (28 - 35 con/kg)) thì tiến hành thu hoạch như sau:

- Lặn và nhấc lần lượt lồng ngao nuôi thương phẩm lên pông tông.

- Gỡ nắp lưới mặt lồng và đổ toàn bộ cát, ngao vào ô sàng (kích cỡ ô là 0,8 x 0,8 m, kích cỡ mắt lưới của ô sàng 2a = 20 mm).

- Kéo lưới ô sàng qua lại để cát lọt ra ngoài.

- Loại bỏ ngao chết, rửa sạch ngao sống và phân loại theo kích cỡ.

b. Vận chuyển: Ngao thương phẩm sau thu hoạch thường được vận chuyển theo các cách thức sau:

* Vận chuyển hở:

- Chuyển và xếp đầy ngao thương phẩm (kích cỡ ≥ 35 con/kg) vào dụng cụ chứa (lồ chứa, lồng nuôi, thùng xốp hay khoang chứa) của phương tiện vận chuyển.

- Sắp xếp dụng cụ chứa lên phương tiện vận chuyển đảm bảo không làm vỡ ngao thương phẩm.

- Phủ tấm vải bạt lên trên dụng cụ chứa để tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào làm gia tăng nhiệt độ trong quá trình vận chuyển.

- Thời gian vận chuyển không quá 12h.

* Vận chuyển ướt:

- Cho ngao thương phẩm (kích cỡ ≥ 35 con/kg) vào túi ni-lon đến 2/3 thể tích.

- Đổ nước biển ngập ngao thương phẩm đảm bảo thể tích ngao và nước không quá 2/3 túi ni-lon.

- Bơm ô-xy vào túi ngao thương phẩm, đặt túi vào thùng xốp và đậy nắp thùng xốp.

- Nhiệt độ trong thùng xốp phải đảm bảo 24 - 26oC trong suốt quá trình vận chuyển. Thời gian vận chuyển không quá 24 h.

7. Vệ sinh lồng nuôi: Sau thu hoạch, lồng nuôi được xếp thành chồng 15 - 20 lồng/chồng, phơi khô trong 15 - 20 ngày dưới ánh nắng mặt trời.

8. Các chỉ tiêu kỹ thuật

- Tỉ lệ sống: ≥ 75%

- Thời gian nuôi: 12 tháng

- Kích cỡ thu hoạch: 26 - 35 con/kg

- Năng suất: 2 - 2,2 kg/lồng bầu dục hay 1,5 - 1,6 kg/lồng tròn.

 

Vân Anh